Ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Trải qua hơn 4 năm thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành điện về cơ bản đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước.
Ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Trải qua hơn 4 năm thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành điện về cơ bản đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước.
Trong tương lai, sự phát triển của ngành điện sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức lớn hơn trong việc thoả mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Đảng và Chính phủ chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, ưu tiên sử dụng các tài nguyên nắng, gió… và hạn chế các tài nguyên hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, dù có sử dụng tài nguyên nào, dù là năng lượng tái tạo hay nhiệt điện, thủy điện, Bộ Công Thương khi xây dựng Quy hoạch điện VIII vẫn đặc biệt quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường, coi bảo vệ môi trường là nhiệm vụ xuyên suốt trong phát triển ngành điện.
Để giảm thiều ô nhiễm môi trường phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các nhà máy nhiệt điện; Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về tái chế, tái sử dụng tro xỉ, thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm làm từ tro, xỉ.
Theo Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1375/QĐ- TTg ngày 08 tháng 9 năm 2020, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Điều tra, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải ngành nhiệt điện; Đánh giá môi trường tổng hợp và đề xuất quy định bảo vệ môi trường tại các trung tâm điện lực; Xây dựng Đề án quan trắc, giám sát môi trường tại các trung tâm điện lực.
Trong quá trình xây dựng Đề án Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương đã quán triệt và bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và định hướng của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, tập trung vào các nội dung:
– Chỉ phê duyệt các nhà máy nhiệt điện có công nghệ siêu tới hạn và trên siêu tới hạn là những công nghệ nhiệt điện mới nhất hiện nay, đảm bảo hiệu suất cao và đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.
– Tập trung rà soát loại bỏ các nhà máy nhiệt điện cũ, hiệu suất thấp, không đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường; Có kế hoạch triển khai nâng cấp công nghệ của các nhà máy nhiệt điện hiện có để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao.
– Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo với tỉ lệ, cơ cấu phù hợp với tiêu chí đảm bảo đủ năng lượng với độ an toàn tin cậy cao và có dự phòng thích hợp, đặc biệt đảm bảo các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường. Đồng thời, nghiên cứu và đánh giá để nhận dạng các vấn đề môi trường của các dạng năng lượng mới để có các giải pháp phù hợp.
Về việc xử lý chất thải từ tấm quang điện: Tính tới thời điểm tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất là 5.053 MW. Riêng đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 31/8/2020 đã có trên 47.000 hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.128 MWp. Qua theo dõi, Bộ Công Thương thấy rằng, phần lớn các dự án điện mặt trời sử dụng tấm quang điện công nghệ đơn và đa tinh thể của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới có hiệu suất cao. Đây cũng là điều kiện để các ngân hàng cho dự án vay để đầu tư phát triển. Các tấm quang điện đơn và đa tinh thể có độ bền trên 25 năm với khoảng 80-85% vật liệu là nhôm và kính, khoảng 5-10% là nhựa, silicon 5-8%, kim loại khoảng 1% và có thể thu hồi mang lại hiệu quả kinh tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những quy định cụ thể đối với việc xử lý tấm quang điện sau khi hết hạn sử dụng.
Các dự án điện mặt trời khi đầu tư phát triển đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được UBND tỉnh phê duyệt, giám sát vấn đề liên quan đến môi trường trong triển khai thi công cũng như vận hành dự án.
Để đảm bảo tiến độ các dự án điện, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các công trình đang bị chậm tiến độ. Tiến hành lựa chọn các Chủ đầu tư có năng lực và kinh nghiệm thực hiện các dự án mới, đồng thời nghiên cứu ban hành hoặc tham mưu ban hành các cơ chế ràng buộc trách nhiệm của Chủ đầu tư và các bên liên quan trong việc đảm bảo tiến độ dự án được giao.