Trước những hạn chế còn tồn tại, ảnh hưởng đến quá trình triển khai cũng như hiệu quả của chương trình khuyến công quốc gia, Sở Công Thương Quảng Ninh đã xây dựng nhiều giải pháp tháo gỡ, trong đó trọng tâm là cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công, khuyến khích doanh nghiệp lớn tham gia.
Những năm qua, công tác khuyến công đã từng bước ghi dấu ấn đậm nét trong sức phát triển ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh Quảng Ninh. Theo đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh, có được kết quả trên là nhờ sự hỗ trợ kịp thời và bố trí thường xuyên nguồn kinh phí từ chương trình khuyến công quốc gia.
Chỉ tính riêng từ năm 2014-2018, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ thực hiện 13 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất; đào tạo nghề cho 145 lao động…
Mặc dù đã đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận, tuy nhiên đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh cũng cho rằng, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới hiệu quả đạt được của chương trình. Trong đó, nguồn kinh phí được phê duyệt thấp hơn nhiều so với nhu cầu của địa phương đã đăng ký nên không hấp dẫn được các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất. Quy trình lập, duyệt hồ sơ đề án và thủ tục thanh toán, quyết toán còn rườm rà, trong khi đó trình độ của một số chủ đề án ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế cũng gây tâm lý e ngại trong việc triển khai thực hiện…
Trước những hạn chế đã được chỉ rõ, Sở Công Thương Quảng Ninh đã xây dựng nhiều giải pháp gỡ khó cả trước mắt và trong dài hạn. Theo đó, đến năm 2020, các đơn vị chức năng thuộc sở sẽ đẩy mạnh hoạt động tìm hiểu về công nghệ, sản phẩm, thị trường, thiết bị sản xuất để cung cấp tư vấn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Tăng cường bám sát cơ sở thông tin kịp thời, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư, sản xuất công nghiệp để từ đó có những biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả.
Vận động một số các doanh nghiệp mạnh, có đủ năng lực đứng ra hỗ trợ và làm đầu mối để cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho người lao động cũng như làm đầu mối tiếp nhận người lao động sau khi đã được đào tạo nghề, tạo được sự gắn kết và thúc đẩy các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển. Có lộ trình và xây dựng hệ thống mạng lưới khuyến công từ tỉnh đến huyện, xã để mang lại hiệu quả cao hơn trong hoạt động khuyến công.
Về dài hạn đến năm 2030, khuyến công Quảng Ninh triển khai hoạt động theo hướng tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến hình thành sự phân công sản xuất, liên kết, hợp tác tham gia chế tạo trong từng công đoạn sản phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải và hạn chế gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người.
Sở Công Thương Quảng Ninh đề nghị, Bộ Công Thương xem xét, ban hành quyết định phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2030, làm căn cứ cho Quảng Ninh xây dựng chương trình khuyến công địa phương. Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, định mức kinh tế- kỹ thuật đối với danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ Công Thương trong đó có hoạt động khuyến công.
Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn 2014-2018 của Quảng Ninh là hơn 91,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 9 tỷ đồng, còn lại là vốn tự có của các cơ sở công nghiệp nông thôn. |