Trang chủ / Tin tức / Hoạt động khuyến công / Quảng Ninh: Gỡ khó công tác khuyến công

Quảng Ninh: Gỡ khó công tác khuyến công

In bài viết Chia sẻ:

Mặc dù đã đầu tư nguồn lực lớn cho công tác khuyến công, tuy nhiên trong quá trình triển khai, Quảng Ninh vẫn gặp nhiều khó khăn và cần sự hỗ trợ hơn nữa để bảo đảm thực hiện hiệu quả chương trình.

Theo đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh, để tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) cấp khu vực và quốc gia, các sản phẩm phải được bình chọn theo 4 cấp: Huyện, tỉnh, khu vực và quốc gia. Tuy nhiên, Quảng Ninh có ít sản phẩm CNNT nên rất khó tìm được sản phẩm đủ tiêu chuẩn tham gia bình chọn. Mặt khác, nguồn kinh phí khuyến công địa phương của tỉnh được cấp trong những năm qua thấp so với nhu cầu đăng ký. Do đó, phải xem xét, lựa chọn, phân bổ cho các cơ sở, doanh nghiệp tại địa bàn và ngành nghề cần ưu tiên.

Nhiều đề án khuyến công tỉnh Quảng Ninh được hỗ trợ thực hiện hiệu quả

Cùng đó, Quảng Ninh đang thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; tinh giảm bộ máy, biên chế”. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp phải dần tự chủ kinh phí hoạt động và thực hiện cơ chế đặt hàng với UBND tỉnh. Năm 2015 và 2016, Quảng Ninh cấp 50% kinh phí chi thường xuyên cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh. Từ năm 2017, tỉnh không cấp kinh phí chi thường xuyên, trung tâm phải tự chủ 100% chi phí. Do vậy, việc đặt hàng với UBND tỉnh để tạo việc làm và thu nhập ổn định cho cán bộ, nhân viên trung tâm thời gian tới rất khó khăn.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, đồng thời giúp trung tâm thực hiện và hoàn thành đầy đủ 9 nội dung của hoạt động khuyến công, đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh đề xuất: Bộ Công Thương cho phép tỉnh được lựa chọn các sản phẩm đoạt giải từ Hội thi Sáng tạo khoa học – kỹ thuật để tham gia bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp khu vực. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét và ban hành danh mục, định mức kỹ thuật đề án/nhiệm vụ khuyến công nằm trong danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước phải thực hiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, hoàn thành hiệu quả chương trình khuyến công của tỉnh. Theo đó, tập trung hỗ trợ đào tạo nghề; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; các sản phẩm chủ lực. Nắm bắt thông tin về công nghệ, sản phẩm, thị trường, thiết bị sản xuất để cung cấp và tư vấn cho các cơ sở sản xuất CNNT. Tăng cường bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư sản xuất, từ đó có những biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.

Sở Công Thương Quảng Ninh cũng phối hợp cùng các cơ quan liên quan xây dựng chương trình, đề án khuyến công cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương và gắn với Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm. Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại và doanh nghiệp sản xuất lớn trên địa bàn tỉnh. Giảm thiểu việc xây dựng chương trình, đề án dàn trải, nhỏ lẻ; tăng cường xây dựng những đề án mang tính liên kết; nhân rộng các đề án khuyến công điển hình, hiệu quả.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh được giao 16 đề án khuyến công. Hiện, phần lớn các đề án đã hoàn thành với kết quả tốt.

Tác Giả: Hoàng Chinh

Nguồn Tin: congthuong.vn