Thời gian qua, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đạt được kết quả đáng ghi nhận. Quý I/2021, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 35,62%, cao hơn 20,81% so với tốc độ tăng quý I/2020, cao hơn 14,42% so với kịch bản tăng trưởng quý I/2021 đề ra, kéo theo khu vực công nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 8,73%, vượt 1,03% so với kịch bản đề ra.
Có được kết quả đó, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế để chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, xác định giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, có tác động lớn đến môi trường, thúc đẩy các ngành có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường. Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện các đột phá về hạ tầng giao thông; cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, chuyển dịch tích cực cơ cấu lao động theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế…
Những nền tảng quan trọng đó đã tác động, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm suy giảm sự phát triển của các ngành kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành điểm sáng với mức tăng trưởng cao, tiếp tục làm động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Theo tính toán của các ngành chức năng, giai đoạn 2010-2020, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, dần thay thế các sản phẩm của ngành khai thác khoáng sản, xăng dầu. Trong đó có một số sản phẩm chủ lực đã có bước phát triển vượt bậc, như giai đoạn 2010-2015, dầu thực vật ở mức -5,2%/năm, thì giai đoạn 2016-2020 là 11,2%/năm; bột mỳ từ tăng 5,1%/năm lên 16,6%/năm; xi măng từ -5,4%/năm mức tăng 7,4%/năm giai đoạn 2016-2020; sợi bông cotton năm 2014 bắt đầu có sản phẩm hoàn thiện ra thị trường thì tính, giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 14,2%/năm…
Trong năm 2020, năng lực ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục được nâng tầm với việc một số tập đoàn, công ty mới đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm mới có giá trị cao, như: Màn hình ti vi của Tập đoàn TLC; loa, tai nghe của Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam; vải dệt sợi tổng hợp, thân mũ của Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long… Đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 841 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 81,8% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp; trong đó có 81 doanh nghiệp FDI, 760 doanh nghiệp trong nước.
Theo Sở Công Thương, vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2010-2020 tăng bình quân gần 6.900 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Sở sẽ tăng cường công tác chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham gia thẩm định, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư chiến lược triển khai chuẩn bị đầu tư tại các KCN.
Định hướng năm 2021-2025, tỉnh tập trung ưu tiên thu hút, phát triển các ngành nghề: Công nghiệp điện tử, viễn thông; sản phẩm số; công nghiệp ô tô; công nghiệp chế biến thực phẩm, hóa dược và dược phẩm; công nghiệp năng lượng sạch; công nghiệp môi trường; công nghiệp thời trang; công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ phục vụ công nghiệp chế biến chế tạo. Trong đó tập trung vào Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía Nam sông Lục Lầm (phường Hải Hòa, TP Móng Cái) với mục tiêu sản xuất lắp ráp phụ tùng, linh kiện ô tô với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; giai đoạn 1 sản xuất 500.000 bộ linh kiện/năm, giai đoạn 2 là 1 triệu bộ linh kiện/năm cho Tập đoàn Vingroup; Tổ hợp nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, công suất tối đa 300.000 xe/năm và một số nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện công nghệ phụ trợ cho sản xuất ô tô tại KCN Việt Hưng (TP Hạ Long) của Tập đoàn Thành Công; các dự án nhà máy sản xuất, gia công các loại sợi, gia công thêu hoa các loại khăn, vải và trang phục, nhà máy sản xuất vải DENIM dệt kim và vải nhuộm dệt kim, nhà máy dệt kim… tại KCN Cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà) và KCN Hải Yên (TP Móng Cái). Cùng với đó là các dự án sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, sản xuất môđun LCD/LED tivi, sản xuất các thiết bị điện tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên)…
Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh đạt 15%; đến năm 2030 đạt 20%. Thu hút vốn đầu tư trong giai đoạn 2020-2025 đạt trên 45.000 tỷ đồng (bình quân trên 9.000 tỷ đồng/năm); giai đoạn 2025-2030 đạt trên 30.000 tỷ đồng (bình quân trên 6.000 tỷ đồng/năm). Tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025 đạt 15-17%/năm; giai đoạn 2025-2030 đạt 17-20%/năm.