Những năm qua trung bình mỗi năm tỉnh Quảng Ninh thực hiện trên 20 đề án nhiệm vụ khuyến công tập trung vào các nội dung cơ bản, thiết thực: tuyên truyền, phổ biến chính sách, động viên, khuyến khích; đào tạo bồi dưỡng kiến thức; hỗ trợ trực tiếp một phần kinh phí xây dựng mô hình ứng dụng máy móc thiết bị tiến tiến, thân thiện môi trường; áp dụng sản xuất sạch hơn; tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, phát triển sản phẩm; quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.v.v…
Hoạt động khuyến công đã là “bà đỡ” và người bạn đồng hành của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Nhiều mô hình công nghiệp nông thôn ở các địa phương được hình thành và đang sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Các cơ sở này đã và đang là những mô hình thực tế, gần gũi, thuyết phục về việc đầu tư khởi nghiệp sản xuất công nghiệp, có ý nghĩa lan tỏa, dẫn dắt về hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh ở địa phương và là những minh chứng sinh động để đội ngũ cán bộ khuyến công tiếp tục tuyên truyền, động viên, khích lệ, tư vấn với các cơ sở công nghiệp nông thôn, giúp mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn, gia tăng giá trị và tỉ trọng công nghiệp, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh
Bên cạnh kết quả đã đạt được, hoạt động khuyến công còn một số tồn tại, hạn chế như: chưa hình thành được mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp xã vì vậy việc nắm bắt thông tin, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các đề án khuyến công tại địa phương gặp khó khăn; năng lực xây dựng đề án của các cơ sở CNNT còn hạn chế, phải thay đổi mục tiêu hoặc điều chỉnh kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ chất lượng của một số đề án; việc phối hợp giữa các đơn vị tham gia quản lý thực hiện có lúc có nơi chưa thật chặt chẽ, thiếu kịp thời, có những đề án chưa lường hết những biến động, rủi ro dẫn đến phải ngừng triển khai; kinh phí hoạt động khuyến công chỉ là ngân sách Nhà nước và của các đơn vị thụ hưởng mà chưa huy động được các nguồn lực khác hỗ trợ; các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn hầu hết là nhỏ và rất nhỏ, năng lực tài chính yếu trong khi nhu cầu vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ mới khá lớn nhưng mức kinh phí hỗ trợ từ nguồn khuyến công chỉ là động viên, khuyến khích nên số cơ sở khả năng để đầu tư thực hiện đề án không nhiều, thiếu nguồn tài chính khi đi vào sản xuất vận hành, công việc tư vấn, khuyến cáo, chất lượng thẩm định cọn hạn chế, một số cơ sở công nghiệp nông thôn sau thời gian hoạt động đứng trước sự biến động của thị trường phải ngừng hoạt động.v.v.. Những tồn tại hạn chế nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả, hiệu quả công tác khuyến công.
Để phát huy vai trò và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động khuyến công cần nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện các đề án khuyến công; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, đông viên, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; Chuẩn hoá quy trình đánh giá tính khả thi, hiệu quả các đề án khi xây dựng kế hoạch bằng các chỉ tiêu định lượng thông qua bảng câu hỏi bao gồm các chỉ tiêu cấu thành như: Tài chính; đất đai, sản phẩm, công nghệ; nguồn nguyên liệu, giá trị sản phẩm, nhân lực, quản trị; Cá nhân hoá trách nhiệm cán bộ khuyến công theo dõi, xây dựng kế hoạch và tiến độ triển khai cũng như hiệu quả đề án để gắn trách nhiệm.
Kịp thời xem xét, tư vấn, điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch để đảm bảo tiến độ thực hiện cũng như hiệu quả lâu dài của các đề án.Hy vọng với sự hỗ trợ chung và quan tâm mọi mặt của các cấp, các ngành và sự nổ lực vượt lên của đội ngũ cán bộ, hoạt động khuyến công thời gian tới sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, ngày càng phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, thúc đẩy tiến trình phát triển công nghiệp nông thôn nhanh và bền vững, góp phần quan trọng trong sự phát triển KT- XH của tỉnh.