Những năm qua, cùng với giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ (KH&CN) luôn được tỉnh xác định là hai “quốc sách hàng đầu”. Tỉnh luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực đầu tư, triển khai các giải pháp phát triển KH&CN.
Từ năm 2012 đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về KH&CN là Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển KHCN tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển KH&CN tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Cùng với đó, trong xây dựng quy hoạch chiến lược của tỉnh, Quảng Ninh đã ưu tiên, xây dựng Quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo về phát triển KH&CN tỉnh Quảng Ninh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban. Đặc biệt, tại Nghị quyết số 07-NQ/TU, Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển, ứng dụng KH&CN theo xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư; coi đây là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế tri thức, tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh hội nhập quốc tế, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; phấn đấu đến năm 2020 Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp.
Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành 7/7 mục tiêu mà Nghị quyết số 07-NQ/TU đã đề ra, trong đó có 3 mục tiêu thực hiện đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra, nhất là mục tiêu tổng vốn đầu tư xã hội cho KH&CN đạt trên 2% GRDP, dành tối thiểu 4% tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương cho KH&CN. Cụ thể, tổng vốn đầu tư cho KH&CN chiếm khoảng 2,8%, tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh cho hoạt động này chiếm 5,3%. Các địa phương trong tỉnh đã ưu tiên, bố trí nguồn lực thích đáng cho KHCN với trên 643 tỷ đồng để xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nông thôn mới, khuyến nông, khuyến công.
Đặc biệt, TP Hạ Long năm 2019 chi trên 431 tỷ đồng cho dự án thành phố thông minh; TP Móng Cái trên 60 tỷ đồng xây dựng Trung tâm điều hành thành phố thông minh. Quá trình triển khai Nghị quyết, Quảng Ninh đã xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ để thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn các lĩnh vực KH&CN. Qua đó, thu hút được 18 tiến sĩ, 7 thạc sĩ về công tác, giảng dạy tại Trường Đại học Hạ Long. Với mục tiêu là trở thành cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, Đại học Hạ Long đã thành lập các trung tâm nghiên cứu để thu hút cán bộ, giảng viên, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ hoạt động quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, góp phần giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Các nghị quyết, kế hoạch phát triển KH&CN của tỉnh, nhất là Nghị quyết số 07-NQ/TU đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; tác động tích cực đến kết quả phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh thời gian qua. Năng suất lao động xã hội của tỉnh bình quân tăng 12,1%/năm, cao gấp 1,6 lần so với toàn quốc; năm 2020 đạt 305,1 triệu đồng/người, cao gấp 2,6 lần so với trung bình cả nước (117,9 triệu đồng/người) và tăng gấp 1,7 lần so với năm 2016 (182,1 triệu đồng/người).
KH&CN đã được ứng dụng, đi sâu, lan tỏa đến hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực xã hội; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt 45,24%; nhiều mô hình y tế thông minh, giáo dục thông minh… được cả nước ghi nhận, đánh giá cao. Người dân Quảng Ninh được thụ hưởng trực tiếp, hằng ngày những ứng dụng KH&CN, nhất là ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, giải quyết thủ tục hành chính…
Các cấp chính quyền tỉnh đã chú trọng áp dụng KH&CN trong quản lý, điều hành với việc xây dựng hệ thống chính quyền điện tử, trung tâm điều hành thành phố thông minh, góp phần trong đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, nâng cao năng lực cạnh tranh; 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cấp xã đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015, hướng tới quản lý chất lượng TCVN ISO điện tử…
Có thể nói, trong ba đột phá chiến lược của Quảng Ninh về xây dựng hạ tầng, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, đều có dấu ấn đậm nét của KH&CN, với tầm nhìn, nhận thức, hành động đúng đắn, tổ chức triển khai hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Vì thế, Quảng Ninh đã xác định tiếp tục phát huy các thành quả về phát triển KH&CN, tiếp tục coi đây là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế tri thức, tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh hội nhập quốc tế, phát triển bền vững.
Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh cũng đã xác định rõ quan điểm lấy giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng KH&CN làm động lực để tăng năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, Quảng Ninh sẽ ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy phát triển giáo dục thông minh, sản xuất thông minh, quản lý thông minh, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đô thị xanh, đào tạo công dân thông minh. Thực hiện chuyển đổi số trong quản trị công, sản xuất, kinh doanh, tổ chức xã hội. Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số. Phấn đấu là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng CNTT vào năm 2025; ứng dụng rộng rãi công nghệ hiện đại. Quan tâm hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đầu tư chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN; hoàn thành xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đầm Hà về nuôi trồng, sản xuất giống hải sản đặc sản; tại Đông Triều về công nghệ canh tác; phát triển nghề nuôi biển công nghệ cao… Đổi mới cơ chế quản lý ngân sách nhà nước chi cho KH&CN theo hướng đặt hàng.