Mất cân đối ở hầu hết các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, dẫn đến nhiều dự án đã phải kéo dài thời gian thi công, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc, hiệu quả đầu tư hạn chế gây lãng phí nguồn lực là thực trạng chung diễn ra phổ biến. Trước “bài toán” này, bắt đầu từ năm 2012, Quảng Ninh quyết định thực hiện đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý điều hành ngân sách. Việc đổi mới được triển khai theo hướng phân cấp mạnh mẽ các nguồn thu và nhiệm vụ chi cho các chủ đầu tư là UBND các địa phương. Để từ đó tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện mục tiêu của địa phương cũng như góp phần hoàn thành mục tiêu chung của tỉnh. Chính vì vậy trong tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được xác định đầu năm 2012 là trên 4.000 tỷ đồng, tỉnh đã quyết định dành trên 1.500 tỷ đồng từ các nguồn vốn phân cấp cho các huyện, thị xã, thành phố chủ động phân bổ đến các công trình; đối với cấp tỉnh phân bổ gần 2.000 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản trả nợ…) cho những công trình trọng điểm, ngoài ra để trích lập các quỹ theo quy định khoảng 84 tỷ đồng.
Đồng chí Trần Đức Lâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nét đổi mới cơ bản trong công tác phân bổ vốn đầu tư là từ năm 2012 trở đi, tỉnh chỉ phân khai chi tiết vốn cho các dự án đầu tư phát triển do các sở, ban, ngành của tỉnh làm chủ đầu tư. Phần vốn còn lại sẽ giao cho các địa phương tự quyết định việc phân bổ chi tiết cho các dự án, công trình do địa phương làm chủ đầu tư (bao gồm cả Chương trình xây dựng Nông thôn mới và các dự án, công trình đã được quyết định đầu tư có quy định nguồn phân chia tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, huyện, công trình thực hiện kết luận thường trực ba bên Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh). Để đảm bảo tính hợp lý, nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới được phân bổ cho các địa phương theo nguyên tắc tính điểm theo đặc điểm của xã vùng đặc biệt khó khăn, xã khó khăn… Đồng thời việc cân đối vốn phải ưu tiên để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2012 (xây dựng trường học mầm non, mẫu giáo đạt chuẩn, nước sạch nông thôn).
Sau thời gian thực hiện cách làm mới này tất cả các địa phương đều nhận thấy việc phân cấp triệt để các nguồn vốn đầu tư phát triển đã tạo điều kiện cho các huyện, thị xã, thành phố tập trung, chủ động hoàn thành dứt điểm các dự án, công trình dở dang do cấp huyện làm chủ đầu tư, kể cả các công trình có cơ cấu vốn tỉnh, huyện và các công trình thực hiện kết luận thường trực ba bên Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Tuy nhiên, cũng trong quá trình thực hiện thấy còn nhiều bất cập, hạn chế từ chính nhận thức và cách thức triển khai thực hiện của các địa phương dẫn đến tình trạng số công trình khởi công mới và vốn bố trí cho nhóm công trình này rất lớn. Theo kết quả rà soát lần 1 của các cơ quan chức năng, gần 40% tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được phân cấp, các địa phương đã phân bổ cho những công trình khởi công mới. Đáng lưu ý là trên 150 công trình khởi công mới chưa đủ thủ tục đầu tư nhưng vẫn được bố trí vốn. Nhiều công trình khởi công mới chưa đảm bảo tỷ lệ vốn cho công trình nhóm B là 20%, nhóm C là 35%, nhiều công trình không thuộc diện ưu tiên khởi công mới năm 2012 nhưng vẫn được bố trí vốn để thực hiện…
Phân cấp đầu tư triệt để cho các địa phương đang được đánh giá là cách làm mạnh dạn, đổi mới của Quảng Ninh để quản lý nguồn vốn ngân sách Nhà nước hiệu quả. Tuy nhiên, với những mặt còn hạn chế trong quá trình thực hiện cho thấy cần tiếp tục quán triệt rõ quan điểm chỉ đạo trong phân cấp đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh đối với các chủ đầu tư. Đó là, các dự án, trước khi phê duyệt quyết định đầu tư, các sở, ban, ngành và địa phương kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã phê duyệt, chỉ được quyết định đầu tư khi xác định rõ nguồn vốn thực hiện dự án và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn là nội dung quan trọng, phải có trong hồ sơ dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố, phải tổ chức thẩm định dự án theo các mục tiêu đã được tỉnh phê duyệt và không vượt quá các cơ chế hỗ trợ vốn đã được tỉnh quy định. Các dự án sử dụng nguồn vốn cân đối ngân sách của các huyện, thị xã, thành phố, các địa phương tự tổ chức thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để bảo đảm dự án được bố trí đúng nguồn vốn, có đủ vốn để hoàn thành, dự án nhóm B không quá 5 năm, dự án nhóm C không quá 3 năm. Những dự án được quyết định đầu tư mà không xác định rõ nguồn vốn, không bảo đảm cân đối vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ dẫn đến bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí, tổn thất thì người ký quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm về những lãng phí, tổn thất do việc phê duyệt quyết định đầu tư gây ra và phải xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật.
Mong rằng với việc tuân thủ thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 1792, những hướng dẫn thực hiện của các cơ quan chuyên môn việc phân cấp quản lý nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở các địa phương ngày càng tốt hơn, nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho các công trình cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.