Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, dù đã khởi sắc trong vài năm gần đây, tuy nhiên, vẫn chưa thể trở thành một làn sóng mạnh mẽ. Khó khăn về vốn, đất đai… đang là các rào cản đối với nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt DN nông nghiệp công nghệ cao.
Đã có những khởi sắc
5 năm qua, đã có nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp, đạt hơn 52 nghìn DN. Trong đó, DN trực tiếp sản xuất nông nghiệp là 13.300 tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản, các DN còn góp phần giúp nông dân tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế.
Riêng trong năm 2020, cả nước đã có tới 18 nhà máy chế biến nông nghiệp được đầu tư, đi vào hoạt động. Đây được đánh giá là tín hiệu sáng trong việc nâng tầm phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù đầu tư vào nông nghiệp đã khởi sắc trong vài năm gần đây nhưng thực sự vẫn chưa thể trở thành một làn sóng mạnh mẽ. Đáng chú ý, có tới 90% DN quy mô dưới 10 tỷ đồng. Số DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao lại càng khiêm tốn.
Theo ông Trần Văn Tân- Chủ tịch Hiệp hội DN An toàn và Hữu cơ Thanh Hóa, sự quan tâm của các cơ quan đối với nông nghiệp chưa cao, dẫn đến việc DN gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với cơ chế, chính sách của nhà nước, tìm kiếm các cơ hội để được hỗ trợ. Để có nguồn vốn ban đầu mua lại đất nông nghiệp của người dân là một vấn đề nan giải, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng không dễ do phải qua nhiều thủ tục mà các DN làm nông nghiệp khó đáp ứng. Việc tích tụ ruộng đất để đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao là rất ít, cần sự giúp đỡ của chính quyền địa phương.
Gỡ rào cản về chính sách
Ông Hà Văn Thắng – Chủ tịch Hội đồng DN Nông nghiệp Việt Nam – cho rằng, DN cần nhất là khuôn khổ pháp lý cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, để chính sách thực sự trở thành “bà đỡ”, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như: Đơn giản hóa thủ tục cho vay, hoàn thiện tiêu chí DN nông nghiệp công nghệ cao theo hướng định lượng rõ ràng, tạo điều kiện cho các DN này tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho phát triển. Đặc biệt, hoàn thiện chính sách đất đai thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất; đồng thời, sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao nhằm giúp cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghiệp cao thực hiện vay vốn ngân hàng.
Để thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp nói chung, các chuyên gia cho rằng, cần cắt giảm 40 – 50% thủ tục hành chính hiện hành, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN một cách nghiêm túc và thực chất. Đồng thời, rà soát, tránh chồng chéo trong quản lý, kiểm tra, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm. Để giải quyết tình trạng này cần mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất lớn hơn. Bên cạnh đó, phải có quy hoạch vùng nguyên liệu rõ ràng; kết nối được các DN. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng công nghệ cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát đề xuất chính sách thu hút mạnh mẽ đầu tư, tư nhân, đầu tư nước ngoài vào công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh.