Quảng Ninh đang ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển 3 trụ cột chính trong ngành công nghiệp là khai thác khoáng sản (nhất là khai thác than); công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt. Đây là những ngành công nghiệp rường cột của tỉnh, kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong thu hút đầu tư, tỷ trọng đóng góp cao trong GRDP, thu hút lao động chất lượng cao…
Khẳng định vị thế tập đoàn kinh tế mạnh
Giai đoạn 2020-2025, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) phấn đấu tổng doanh thu đạt 760.000 tỷ đồng (tăng 25% so với giai đoạn 2015-2020), bình quân tăng 5%/năm. Lợi nhuận của Tập đoàn đạt 17.500 tỷ đồng (bình quân 3.500 tỷ đồng/năm); nộp ngân sách tăng 5%/năm. Tổng giá trị đầu tư 76.900 tỷ đồng, bình quân 15.400 tỷ đồng/năm. Năng suất lao động tăng từ 6-7%/năm. Đảm bảo đủ việc làm cho người lao động (NLĐ), thu nhập bình quân tăng 5-7%/năm; chăm lo, thực hiện tốt các chế độ chính sách, phúc lợi và nhà ở cho NLĐ.
Năm 2021 được coi là năm bản lề bứt phá cho cả giai đoạn 2020-2025, vì vậy từ đầu năm đến nay, TKV đã tập trung vào “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh (SXKD) hiệu quả. Riêng năm 2021, TKV phấn đấu sản xuất 38,5 triệu tấn than; tiêu thụ 42 triệu tấn; lợi nhuận 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, gây nhiều khó khăn cho SXKD của Tập đoàn.
Với tinh thần, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”, TKV đã tập trung vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tăng sản lượng, năng suất, tiết kiệm chi tiêu để đóng góp lớn vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh. Các đơn vị thành viên TKV đã chủ động kích hoạt biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất, chủ động ứng phó với những tình huống có thể ảnh hưởng đến sản xuất. Bên cạnh đó, Tập đoàn tập trung thực hiện “3 tốt” (SXKD tốt; phòng, chống tốt dịch Covid-19; thực hiện tốt các hoạt động chăm lo NLĐ và công tác an sinh xã hội). Nhiều cách làm hay chưa có tiền lệ được áp dụng, triển khai tại các đơn vị. Tiêu biểu dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hàng nghìn công nhân tại các mỏ: Vàng Danh, Mạo Khê, Dương Huy… đã quyết định ở lại mỏ vừa tiếp tục sản xuất, vừa phòng chống dịch, nhằm quyết tâm giữ mỏ an toàn.
Ngành Than hiện chủ động xét nghiệm Covid-19 miễn phí ngẫu nhiên cho 20% NLĐ theo định kỳ; chuẩn bị chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay cho hàng chục nghìn cán bộ, công nhân viên. Đây là giải pháp căn cơ giúp ngành Than kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để dịch lây lan, bảo vệ sức khỏe an toàn cho công nhân. Qua đó, giữ vững nhịp độ sản xuất, hoàn thành mục tiêu SXKD và ổn định việc làm, thu nhập cho NLĐ.
7 tháng năm 2021, các đơn vị trong Tập đoàn đã sản xuất trên 23 triệu tấn than, đạt 59,7% kế hoạch năm; tiêu thụ hơn 26 triệu tấn than, đạt 62,9% kế hoạch năm. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế nói chung vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, song ngành Than vẫn đảm bảo ổn định việc làm, thu nhập cho hơn 80.000 công nhân với mức tiền lương bình quân 13,1 triệu đồng/người/tháng, bằng 101% kế hoạch năm. Doanh thu toàn Tập đoàn 63.910 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước 8.500 tỷ đồng. Nhìn vào những con số thống kê có thể thấy ngành Than đang tiếp tục đóng vai trò chủ đạo vào tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Quảng Ninh.
Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết: Trong bối cảnh hầu hết các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, sản xuất than vẫn tiếp tục khẳng định vị thế ngành năng lượng quan trọng của quốc gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, an sinh, xã hội của đất nước, vai trò trụ cột giúp tỉnh Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng ổn định. Thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ còn nhiều biến động. Đây vừa là khó khăn, thử thách, vừa là cơ hội để TKV nỗ lực phát huy tinh thần vượt khó; tận dụng điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động SXKD. TKV sẽ tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho công tác phòng, chống dịch, bằng mọi cách cùng Quảng Ninh thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Đối với các đơn vị khối sản xuất than, cần tập trung điều hành sản xuất và tiêu thụ theo diễn biến thị trường, trong đó chú trọng sản xuất than chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt ngành Than tiếp tục đổi mới công nghệ “3 hóa”, sản xuất “xanh” phù hợp chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Công nghiệp chế biến, chế tạo – nhân tố tăng trưởng mới
Giai đoạn 2021- 2025, Quảng Ninh xác định đạt được 3 đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gồm: Đột phá về thu hút vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đột phá về tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP và thu ngân sách địa phương; đột phá về thu hút lao động chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đang tập trung thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách. Cùng với đó, tỉnh phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp – khu đô thị – khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Với định hướng được coi là xương sống, tỉnh đã xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng tiên tiến, hiện đại, phát triển xanh. Bước đầu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang thu hút nhiều dự án động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
Điển hình cuối tháng 7/2021, Công ty Jinko Solar – một trong những nhà sản xuất tấm quang năng xếp vị trí thứ nhất, nắm giữ 12,6% thị trường toàn cầu, đã chính thức được khởi công tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên). Dự án có tổng mức đầu tư 500 triệu USD, hiện là dự án FDI có tổng mức đầu tư cao nhất vào địa bàn các KCN của Quảng Ninh. Đây là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào một trong số những KCN mới của Quảng Ninh là Sông Khoai, cũng là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào KKT ven biển Quảng Yên kể từ khi Chính phủ quyết định thành lập KKT ven biển Quảng Yên vào tháng 9/2020. Đáng chú ý, quá trình từ khảo sát đầu tư đến hoàn thiện thủ tục hành chính có sự hỗ trợ rất tích cực của tỉnh để dự án sớm được khởi công. Jinko Solar cam kết đưa dự án chính thức đi vào sản xuất sau 7 tháng thi công. Dự kiến khi đi vào hoạt động (giai đoạn 1) sẽ giải quyết việc làm cho 1.000-1.500 lao động địa phương.
Đi vào sản xuất tháng 6/2020, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Điện tử Bumjin Vina (KCN Đông Mai) đã tiếp tục đầu tư và đưa thêm 3 nhà xưởng sản xuất đi vào hoạt động, nâng công suất sản xuất của Công ty gấp 3 lần so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Công ty đã sản xuất gần 500.000 sản phẩm thiết bị điện tử, ước tính cả năm 2021 sản xuất hơn 2 triệu sản phẩm. Công ty đang dự kiến đầu tư thêm một xưởng sản xuất và tập trung sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn để đáp ứng nhu cầu của các thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.
Trước đó, Tập đoàn Foxconn – nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho các Tập đoàn công nghệ Apple, Motorola, Nokia và HP… đã đầu tư vào KCN Đông Mai (TX Quảng Yên). Sau một thời gian triển khai, cuối năm 2020, Foxconn đã cho ra mắt lô sản phẩm ti vi đầu tiên. Từ đầu năm 2021 đến nay, nhà máy đã sản xuất hơn 100.000 sản phẩm ti vi; dự kiến cả năm sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi với giá trị xuất khẩu khoảng 250 triệu USD, đồng thời tiếp tục đầu tư thêm một nhà xưởng lắp ráp ti vi và một nhà xưởng sản xuất bảng mạch phục vụ cho việc lắp ráp ti vi.
Cùng với Công ty TNHH Điện tử Bumjin Vina, Tập đoàn Foxconn, các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định. Theo Sở KH&ĐT, 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, song tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn tăng 8,02%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 3,32%. Đóng góp vào kết quả này chính là sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ trọng chiếm tới 11,7%; mức tăng trưởng tăng 38,95% so cùng kỳ, vượt 17,6 điểm % kịch bản, vượt 25,38 điểm % với tốc độ tăng cùng kỳ. Đây cũng là nhóm ngành đóng góp tăng trưởng lớn nhất trong GRDP của tỉnh. Trong đó, bên cạnh một số sản phẩm lợi thế giữ mức tăng cao do nhu cầu thị trường lớn, thì một số sản phẩm mới như loa, tivi, vải dệt thoi từ sợi tổng hợp… đến từ các dự án công nghiệp chế biến chế tạo lớn của Tập đoàn Foxconn, Công ty Bumjin Electronics Co.Ltd, Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long… cũng đóng góp giá trị gia tăng lớn.
Dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực du lịch và thương mại của tỉnh. Để duy trì nền kinh tế, Quảng Ninh đã sớm nhận diện được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp chế, biến chế tạo, từ đó tích cực mở cửa đón làn sóng đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ vào khu vực công nghiệp chế, biến chế tạo. Dự kiến trong năm 2021, các KCN, KKT của tỉnh dự kiến thu hút thêm từ 400-500 triệu USD; trong đó, thu hút mới từ 10-12 dự án, tổng vốn đạt 350-450 triệu USD. Các dự án thu hút mới sẽ tập trung chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ cảng biển theo như định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ, vượt trội ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Bởi Quảng Ninh có hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, các KCN và đường cao tốc; đặc biệt, hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc đã tạo thành chuỗi dây chuyền, liên kết khép kín.
Sự xuất hiện của các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua đã từng bước dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp; phát huy hiệu quả đầu tư và đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước của tỉnh.