Thực hiện Quyết định số 1984⁄QĐ-BCT, ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ngừng và bổ sung kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022 (đợt 1), Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu cơ sở đề án khuyến công Quốc gia bổ sung năm 2022, nội dung “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến gỗ” tại Thành phố Uông Bí và huyện Ba Chẽ.
Đoàn nghiệm thu gồm có đại diện Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương Quảng Ninh; đại diện UBND các địa phương và đơn vị thụ hưởng.
Đây là đề án khuyến công theo nhóm, theo đó có 2 đơn vị được thụ hưởng kinh phí hỗ trợ từ nguồn khuyến công quốc gia, gồm: Công ty CP chế biến lâm sản Quảng Ninh và Công ty CP Trường Sơn 36.
Ngày 24/11/2022, đoàn công tác nghiệm thu đề án tại nhà xưởng sản xuất của Công ty CP chế biến lâm sản Quảng Ninh, thành phố Uông Bí. Với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, Công ty CP chế biến lâm sản Quảng Ninh đã mạnh dạn đầu tư thêm 627 triệu đồng mua sắm 01 máy ghép cao tần tiên tiến hiện đại để sản xuất gỗ ghép thanh phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Ngày 25/11/2022, đoàn công tác nghiệm thu đề án tại nhà xưởng của Công ty CP Trường Sơn 36, huyện Ba Chẽ. Nhằm tận dụng được nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng dồi dào sẵn có tại địa phương là cây keo, Công ty CP Trường Sơn 36 đã mua sắm rất nhiều máy móc, thiết bị phục vụ. Với tổng kinh phí đầu tư là 670 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, Công ty đã ứng dụng 04 máy xẻ gỗ và 04 máy mài lưỡi cưa vào sản xuất gỗ keo xẻ thanh. Đề án được triển khai thực hiện đã tạo ra giá trị xã hội rất lớn, tạo công ăn việc làm cho 50 lao động là người dân tộc địa phương với mức thu nhập cao từ 12-15 triệu đồng/người/tháng.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ các hoạt động khuyến công, trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến công, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, tích cực hỗ trợ trong các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp các cơ sở tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng và phát triển thị trường. Qua đó, thực hiện tốt mục tiêu xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống kinh tế – xã hội và góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa công nghiệp nông thôn./.