Trang chủ / Tin tức / Hoạt động khuyến công / Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công

Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công

In bài viết Chia sẻ:

Thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ đó, giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) có hướng đầu tư đúng đắn, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh hỗ trợ đầu tư thiết bị máy móc sản xuất cho Công ty TNHH MTV Nam dược Y Võ.

Triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về hoạt động khuyến công, tỉnh Quảng Ninh đã hiện thực hóa bằng nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương. Trong đó đã tập trung hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho công nghiệp chế biến sản phẩm CNNT, phát triển nghề truyền thống, cơ khí, CNTT, ưu tiên cho những ngành nghề tạo nhiều việc làm, cơ sở công nghiệp sử dụng nhiều lao động…

Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 230 đề án, nhiệm vụ khuyến công địa phương và khuyến công quốc gia. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp trên 27,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn ngân sách phân bổ, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ 195 đề án khuyến công địa phương với kinh phí trên 17,8 tỷ đồng (chiếm 64,85%) và 35 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí hơn 9,6 tỷ đồng (chiếm 31,15%).

Tỉnh cũng thu hút được 163,4 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở CNNT. Từ nguồn vốn này đã hỗ trợ triển khai 8 đề án về đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho 300 lao động; tổ chức 3 lớp tập huấn kiến thức về sản xuất sạch cho hơn 150 học viên; triển khai 126 đề án hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất… Qua đó, giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động, giúp cơ sở CNNT nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất từ 20-40%, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong công nghiệp.

Cùng từ nguồn vốn trên đã hỗ trợ 6 đề án phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ 24 cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ chi phí thuê 48 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; tổ chức thực hiện 2 hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc tại Quảng Ninh; hỗ trợ 320 gian hàng tiêu chuẩn cho các cơ sở CNNT tham gia… Từ đó, giúp cho các cơ sở CNNT tăng cường giao lưu quảng bá sản phẩm và mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Tính riêng trong năm 2022, Sở Công Thương Quảng Ninh được Bộ Công Thương, UBND tỉnh phê duyệt thực hiện 20 đề án, nhiệm vụ khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ là 4,93 tỷ đồng. Trong đó đã hỗ trợ cho 3 đề án khuyến công quốc gia theo nhóm với kinh phí 2,4 tỷ đồng; 17 đề án, nhiệm vụ khuyến công địa phương với kinh phí trên 2,5 tỷ đồng. Thu hút trên 5,5 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở CNNT.

Năm 2023, Sở Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện 20 đề án, nhiệm vụ khuyến công theo sự đồng ý của UBND tỉnh và Bộ Công Thương với tổng kinh phí hỗ trợ là 6,55 tỷ đồng. Trong đó, sẽ thực hiện phân bổ cho 4 đề án khuyến công quốc gia, kinh phí hỗ trợ 3,9 tỷ đồng; 16 đề án, nhiệm vụ khuyến công địa phương, kinh phí hỗ trợ 2,69 tỷ đồng. Dự kiến sẽ thu hút khoảng 5 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở CNNT để đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào phát triển sản xuất.

 

Công ty TNHH MTV Nước khoáng Công đoàn Quang Hanh là một trong những cơ sở được hỗ trợ từ hoạt động khuyến công.

Theo thống kê của Sở Công Thương, tính tới thời điểm này, toàn tỉnh có 254 lượt cơ sở CNNT thụ hưởng chính sách khuyến công. Trong đó, có 62,5% số cơ sở được nhận hỗ trợ để xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; 37,5% cơ sở được nhận tư vấn, trợ giúp về các lĩnh vực như lập dự án đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, marketing…

Tuy nhiên, bên cạnh những hoạt động đã triển khai và mang lại hiệu quả, thì hoạt động khuyến công vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể như đội ngũ thực hiện chương trình chưa đảm bảo; việc nâng cao hiệu quả trong rà soát nhu cầu, tư vấn, hướng dẫn, xây dựng, triển khai các đề án, kế hoạch khuyến công hàng năm chưa đạt yêu cầu; một số cơ sở CNNT nhận nguồn kinh phí khuyến công địa phương là các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn hẹp, rất khó tập trung vốn để đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; trình độ quản lý của chủ các cơ sở CNNT còn hạn chế, thiếu chủ động trong việc tiếp cận hoạt động khuyến công…

Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động khuyến công trong hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường tập huấn cho các chủ doanh nghiệp CNNT kiến thức về hoạt động khuyến công và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đồng thời, thực hiện triệt để công tác quản lý hoạt động khuyến công, giảm bớt thủ tục hành chính để các cơ sở được lựa chọn tham gia hoạt động khuyến công. Chú trọng đối tượng thụ hưởng đủ năng lực và các ngành nghề chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế; tăng cường giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành phố nhằm nâng cao năng lực quản lý và triển khai thực hiện các đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh.

Tác Giả: Minh Đức

Nguồn Tin: TTXTVPTCT