Trang chủ / Tin tức / Móng Cái: Bảo vệ môi trường nông thôn

Móng Cái: Bảo vệ môi trường nông thôn

In bài viết Chia sẻ:

Những năm qua, thành phố tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT); triển khai các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn.

Người dân thôn 2 (xã Hải Xuân) dọn vệ sinh môi trường.

Để công tác BVMT đi vào nền nếp, trở thành thói quen hằng ngày của mỗi người dân, thành phố đã phát động nhiều cuộc ra quân thực hiện phong trào “Ngày xanh trong tuần” tại 17/17 xã, phường; tổ chức hàng trăm cuộc ra quân làm vệ sinh môi trường, thu hút đông đảo người dân tham gia. Bằng nguồn vốn ngân sách kết hợp với xã hội hóa, thành phố đã xây dựng được 417 nhà tiêu hợp vệ sinh. Các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Hải Sơn, Bắc Sơn xây dựng hạ tầng xử lý chất thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt, tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng; thành phố đã thí điểm mô hình lò đốt rác mini tại các xã Bắc Sơn, Quảng Nghĩa.

Công nhân Công ty CP Công trình và Môi trường đô thị Móng Cái thu gom rác thải tại xã Hải Đông.

Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư về bảo vệ, giữ gìn môi trường, Hội LHPN thành phố đã thành lập các chi hội kiểu mẫu thực hiện “5 không, 3 sạch” gắn với thôn/khu dân cư kiểu mẫu, thu hút đông đảo thành viên tham gia. Thành phố thường xuyên triển khai các hoạt động BVMT, xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp thông qua các chương trình “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, vận động người dân tích cực trồng cây xanh dọc các tuyến đường giao thông.

Các xã đã thành lập được 27 tổ thu gom rác thải, với 124 thành viên tham gia, đảm bảo 100% chất thải rắn trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức được trên 300 cuộc ra quân với 20.000 lượt người tham gia thu gom rác, cắt cỏ, quét dọn làm sạch hành lang giao thông, trục đường liên thôn, khu, các tuyến kênh mương dọc các trục đường chính; các điểm di tích lịch sử, vỉa hè, trụ sở cơ quan, trường học, nhà văn hóa, một số điểm công cộng, khu du lịch.

Hiện trên địa bàn thành phố có 2 nhà máy xử lý rác thải; 3 bãi thu gom tập kết rác. Trong đó, Nhà máy xử lý chất thải rắn tại thôn 5 (xã Quảng Nghĩa), diện tích 21,6ha, công suất xử lý 150 tấn rác thải/ngày, tổng vốn đầu tư 111,9 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải trên địa bàn thành phố. Lò xử lý rác thải tại địa bàn xã Hải Sơn với công suất 10-15 tấn/ngày, đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải của xã Hải Sơn và thôn Thán Phún (xã Bắc Sơn). Trên địa bàn các xã có 224 xe thu gom rác, 100% số thôn có tổ dịch vụ thu gom rác thải với 56 điểm tập kết rác tại các thôn. Công ty CP Công trình và Môi trường đô thị Móng Cái thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại 13 xã, phường với khối lượng bình quân 110 tấn/ngày. Tại xã Vĩnh Thực, Vĩnh Trung, Bắc Sơn, tổ thu gom rác của thôn vận chuyển đến bãi tập kết rác để xử lý. Xã Hải Sơn có 1 HTX làm dịch vụ thu gom đưa rác thải về nhà máy (mini) xử lý.

Phân loại và xử lý rác thải tại Nhà máy xử lý rác thải Miền Đông (TP Móng Cái).

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp BVMT, đến nay một số chỉ tiêu về môi trường trên địa bàn thành phố đạt cao, như: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,3%; 94% dân cư được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn thành phố đạt 100%. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom bình quân 39.420 tấn/năm; trong đó rác thải nông thôn 3.942 tấn, rác thải đô thị 35.478 tấn. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản với hơn 5.400 hộ, đều tuân thủ quy định về BVMT, thực hiện thu gom và xử lý chất thải đúng nơi quy định.

Tại các xã có 45 điểm thu gom, chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật (góp phần hình thành vùng sản xuất sạch), định kỳ xử lý theo quy định. Tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 94,1%; tỷ lệ hộ có nhà tắm hợp vệ sinh đạt 97,5%; tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi gia súc đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 84,2%.

Tác Giả: Quế Ninh

Nguồn Tin: Báo Quảng Ninh