Trang chủ / Tin tức / Lực đẩy mới cho công nghiệp chế biến, chế tạo

Lực đẩy mới cho công nghiệp chế biến, chế tạo

In bài viết Chia sẻ:

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Quảng Ninh chú trọng, tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư và bước đầu đã đạt được những kết quả ấn tượng. Đặc biệt, trong năm 2021, với tốc độ tăng trưởng đạt 32,19%, đóng góp 3,36 điểm % trong tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh, chiếm tỷ trọng 11,9% trong GRDP, ngành chế biến, chế tạo đã tạo ra động lực tăng trưởng mới cho Quảng Ninh trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều biến động do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Năm 2022 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tiếp tục đạt được kết quả tăng trưởng đột phá, với nhiều dự án đầu tư lớn sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Khởi công dự án Nhà máy điện tử Quảng Yên, tháng 9/2022.

Thêm nhiều dự án trọng điểm

Với những quyết sách đúng đắn và chủ trương thu hút đầu tư bài bản, dài hạn, Quảng Ninh đã thu hút được rất nhiều dự án đầu tư. Trong đó có nhiều dự án liên quan đến công nghiệp chế biến, chế tạo, giúp thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững theo nghị quyết của tỉnh đã được ban hành về phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Tháng 1/2022, dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD đã cho ra sản phẩm đầu tiên chỉ sau 4 tháng triển khai xây dựng, vượt trước 7 tháng so với tiến độ đặt ra ban đầu. Đây cũng là dự án xác lập kỷ lục mới về thời gian cấp phép đầu tư, với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng chưa đầy 24 giờ sau khi nhận đủ hồ sơ. Dự án Jinko Solar Việt Nam có quy mô đầu tư trên 8.380 tỷ đồng, tỷ suất vốn đầu tư 417 tỷ đồng/ha, cao nhất trong số các dự án thứ cấp trong các KCN của tỉnh tính đến hiện tại.

Ông Huang Jinxing, Tổng Giám đốc Jinko Solar Việt Nam, cho biết: Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ khi quyết định đầu tư vào Quảng Ninh để thực hiện chiến lược kinh doanh phát triển. Khi thực hiện xây dựng, tỉnh Quảng Ninh đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ, giúp cho chúng tôi có thể hoàn thành nhanh chóng dự án để đi vào sản xuất. Đặc biệt là trong bối cảnh tỉnh vừa phải chống dịch, vừa phải đảm bảo việc phát triển kinh tế. Chúng tôi sẽ quyết tâm sản xuất nhiều sản phẩm để hoàn thành chuỗi cung ứng của công ty, cũng như đóng góp thuế đầy đủ trong quá trình hoạt động.

Công nhân Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) lắp ráp màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao.

Cùng với dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam, trong năm 2022 Quảng Ninh có 6 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ đi vào hoạt động. Từ đó tạo động lực phát triển mới cho ngành này. Đặc biệt, mới đây nhất, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và khởi công Tổ hợp dự án Nhà máy sản xuất công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc (TX Quảng Yên). Đây là tổ hợp dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đầu tiên do nhà đầu tư trong nước triển khai với quy mô lớn tại KKT ven biển Quảng Yên sau khi được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2020. Theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, tổ hợp dự án nhà máy, nhà xưởng cao cấp tại khu vực này có quy mô hơn 100ha, chia làm 4 khu gồm: Khu nhà máy NA7-1, khu nhà máy NA7-2, khu nhà máy NA8-1 và khu nhà máy NA8-2.

Đến thời điểm hiện tại, tổ hợp dự án có 2 dự án thành phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm: Dự án Nhà máy điện tử Quảng Yên tại lô đất NA8-2 và dự án Nhà máy phụ tùng động cơ máy nông nghiệp tại lô đất NA8-1 do Liên danh 2 nhà đầu tư là Công ty CP KCN Sài Gòn – Hải Phòng (SHP) thuộc Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc và Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL) thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài gòn SGI. Trong đó, dự án Nhà máy điện tử Quảng Yên đã hoàn thành thủ tục pháp lý để khởi công, triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư trên 1.400 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý III/2023; dự án Nhà máy phụ tùng động cơ máy nông nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 1.200 tỷ đồng dự kiến được đưa vào hoạt động trong tháng 3/2024.

Bên cạnh các dự án đầu tư mới, năm 2022 nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo sau thời gian chạy thử đã đi vào vận hành ổn định, tăng sản lượng lên gấp nhiều lần so với năm 2021.

Ông LO SHI-YI, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Eson Việt Nam, cho biết: Nhờ sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp rất tích cực của tỉnh Quảng Ninh, nhà máy của chúng tôi đã hoàn thành các hạng mục đầu tư trong thời gian rất ngắn và đi vào chạy thử. Trong năm 2022, ước tính quy mô sản xuất của nhà máy sẽ đạt 1,7 triệu sản phẩm phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ti vi, ô tô, hệ thống máy chủ và các sản phẩm phụ trợ khác. Tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ và phát triển trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh trong thời gian qua. Hy vọng Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư các tập đoàn, doanh nghiệp chế biến, chế tạo vào tỉnh, tạo động lực phát triển cho địa phương trong thời gian tới.

Dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên).

Cùng với đó, trong năm, BQL Khu kinh tế Quảng Ninh đã thực hiện đôn đốc, hướng dẫn Công ty CP Phát triển KCN Việt Hưng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để báo cáo các bộ, ngành Trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng và thành lập KCN Việt Hưng với các ngành nghề sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất máy móc, thiết bị, phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô và các ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao khác để hình thành hệ sinh thái công nghiệp ô tô.

Trong thời gian tới, BQL Khu kinh tế tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN (Đông Mai, Việt Hưng, Texhong – Hải Hà, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Sông Khoai…) đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng sạch để giới thiệu cho các nhà đầu tư nghiên cứu đăng ký đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, tiếp tục nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN. Đồng thời, thực hiện rà soát, xây dựng phương án quy hoạch lại và tái cơ cấu, chuyển đổi ngành nghề tại KCN Cái Lân trở thành KCN thông minh, công nghệ cao, công nghiệp sạch, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đất đai sau khi Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Hạ Long đến năm 2040 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tiếp tục tạo động lực dẫn dắt tăng trưởng 

Tính đến hết năm 2021, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh đạt 11,9% (tăng 2,1% so với năm 2020); 6 tháng đầu năm 2022, đạt 12%, thu hút vốn đầu tư ước đạt 2.904,68 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng vốn đầu tư đã thu hút trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 31.611 tỷ đồng, đạt 62,8% mục tiêu đã đề ra và sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tới với làn sóng chuyển dịch sản xuất từ các nước, đặc biệt là từ Trung Quốc về Việt Nam.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam.

Quan điểm của tỉnh là sẽ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với cơ cấu hợp lý, có khả năng cạnh tranh. Trong đó, đặc biệt ưu tiên và thu hút những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở một số ngành, lĩnh vực có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu.

Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 15%, đến năm 2030, con số này đạt 20%. Để hiện thực hoá được điều này, tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, tác động đến môi trường. Đồng thời, ưu tiên thu hút có chọn lọc những dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh…

Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và khởi công Tổ hợp dự án Nhà máy sản xuất công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc.

Cùng với đó, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Quảng Ninh dự kiến phát triển theo chiều sâu các KKT, KCN có năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả sử dụng đất tiết kiệm, trở thành động lực tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số.

Tỉnh cũng chú trọng phát triển các KCN sinh thái, KCN chuyên sâu, giảm bớt KCN tổng hợp; tăng tính liên kết giữa các KCN, KKT của Quảng Ninh – Hải Phòng, hình thành các cụm sản xuất có quy mô lớn, tập hợp các ngành để hỗ trợ nhau tạo nên những sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh; rà soát, bổ sung quy hoạch một số KCN, CCN mới, có lợi thế cạnh tranh, phát huy hiệu quả hạ tầng giao thông chiến lược của 2 tuyến phía Đông và phía Tây.

Với những định hướng phát triển dài hạn, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Qua đó, đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung của cả tỉnh. Đặc biệt là với việc hoàn thành và đưa một số dự án có quy mô đầu tư lớn, mang tính dẫn dắt, đã tạo nền tảng quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực này. Từng bước hình thành chuỗi sản xuất đồng bộ, hiện đại, đủ khả năng cạnh tranh quốc tế.

Tác Giả: Minh Đức

Nguồn Tin: TTXTVPTCT