Trang chủ / Tin tức / Kinh phí Khuyến công hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào các khâu sản xuất

Kinh phí Khuyến công hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào các khâu sản xuất

In bài viết Chia sẻ:

Phát huy các thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chủ chương với nhiều nhóm giải pháp, các chính sách phù hợp với thực tiễn, trong đó chính sách Khuyến công là một trong những yếu tố góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Hỗ trợ tạo sự khích lệ cho cơ sở sản xuất công nghiệp

Nhằm từng bước tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ, nâng cao khả năng tiếp nhận công nghệ, tỉnh đã triển khai một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến thích hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động ứng dụng công nghệ và trình độ tiếp nhận công nghệ, năng lực sản xuất của cơ sở sản xuất công nghiệp của từng địa phương, Trung tâm Khuyến công & Tư vấn PTCN phối hợp với các phòng Kinh tê/ Kinh tế và Hạ tầng xây dựng đề án hỗ trợ cho các cơ sở đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào các khâu sản xuất, các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ để tạo cú hích cho lĩnh vực công nghiệp này phát triển.

Các loại hình công nghệ được hỗ trợ chủ yếu là công nghệ tạo sản phẩm mới; nâng cao giá trị tăng thêm; cải tiến chất lượng sản phẩm; cải tiến công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động; sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng; tiếp nhận công nghệ tiên tiến…

Năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Ninh giao kế hoạch thực hiện hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho 37 đề án, với tổng kinh phí hỗ trợ 2.710 triệu đồng. Đến nay Trung tâm đã cùng các cơ sở sản xuất công nghiệp ký kết, triển khai, thực hiện xong 37/37 đề án. Trong đó hỗ trợ cho 27 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ứng dụng công nghệ mới, máy móc thiết bị vào sản xuất, tổng kinh phí là: 1.780 triệu đồng. Các đề án đã mang lại hiệu quả xã hội rất cao như: Đề án của Công ty TNHH xây dựng Đông Triều, Công ty cổ phần chế biến lâm sản Quảng Ninh, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Hương Trang … đó giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động của địa phương, tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Mặc dù mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách chưa tương xứng với tổng đầu tư của cơ sở sản xuất công nghiệp, nhưng đây là sự quan tâm của các cấp chính quyền, là sự động viên lớn để doanh nghiệp vượt khó, vươn lên trong quá trình sản xuất và có ý thức hơn trong việc dành nguồn kinh phí để đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ để đạt được nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cũng như môi trường.

Cần phát triển bền vững quỹ hỗ trợ

Việc hỗ trợ cho cơ sở sản xuất công nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ là hình thức hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn vốn ngân sách. Trong khi nền kinh tế phục hồi chậm, lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng luôn biến động, lãi suất ngân hàng vẫn còn ở mức cao, tình hình SX-KD của doanh nghiệp nói chung và các cơ sở công nghiệp nông thôn nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc triển khai các chương trình, đề án khuyến công nhằm hỗ trợ, động viên kịp thời các cơ sở doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn là hết sức cần thiết.

Chính vì vậy, để công nghiệp nông thôn tiếp tục phát triển bền vững, rất cần sự quan tâm nhiều hơn của các cấp chính quyền, cần nhiều giá trị hỗ trợ hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tạo điều kiện phát triển, góp chung vào sự phát triển kinh tế – xã hội của toàn tỉnh.

Tác Giả: Phan Thị Hường

Nguồn Tin: TTXTVPTCT