Trang chủ / Tin tức / Khuyến công Quảng Ninh: từng bước tạo chuyển biến

Khuyến công Quảng Ninh: từng bước tạo chuyển biến

In bài viết Chia sẻ:

Toàn tỉnh hiện có hơn 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên với tình hình suy giảm của nền kinh tế trong năm 2012 cùng với biến động theo chiều hướng tăng nhất là các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp, lãi suất ngân hàng còn ở mức cao, sức mua giảm sút, thị trường tiêu thụ của nhiều loại hàng hóa bị thu hẹp, tỷ lệ tồn kho còn lớn, các doanh nghiệp hoạt động trong tình thế rất khó khăn. Để giúp các doanh nghiệp tồn tại và đứng vững trong bối cảnh này, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Sở Công thương và Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công thương thường xuyên kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, để đề xuất và triển khai thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, năm 2012 Trung tâm được cấp 2.400 triệu đồng bằng nguồn ngân sách địa phương cho 35 đề án và 310 triệu đồng nguồn vốn từ trung ương. Để phát huy hiệu quả đồng vốn, Trung tâm đã chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo cho người lao động tập trung tại các huyện: Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, cùng với đó 21 cơ sở sản xuất nông thôn cũng đã được hỗ trợ kinh phí để đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị vào sản xuất với tổng  kinh phí là 1.312 triệu đồng.

Đặc biệt, năm 2012 với sự hỗ trợ của Chương trình khuyến công quốc gia, hoạt động khuyến công đã tạo điều kiện và không ngừng nâng cao mối quan hệ giữa các địa phương cấp huyện và các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, ngày càng gắn kết trách nhiệm, tạo được sự đồng tình hưởng ứng hỗ trợ trong việc khuyến khích phát triển  công nghiệp nông thôn, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương, nâng dần tỷ trọng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp. Có thể thấy các cơ sở công nghiệp nông thôn sau khi được thụ hưởng từ nguồn kinh phí khuyến công đều có những chuyển biến tích cực về quy mô sản xuất, số lượng, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Tạo thêm nhiều việc làm cho người dân nông thôn, tăng nguồn thu ngân sách địa phương. Tạo điều kiện cho các chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh có điều kiện nắm bắt, hiểu biết cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.

Theo ông Hoàng Đức Khá- Phó giám đốc Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết “ nhiều mô hình thông qua nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ, các doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn và thực sự phát huy hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ. Chẳng hạn như công ty Cổ phần nước mắm Cái Rồng, nếu như trước đây, khi dây chuyền mới được đưa vào sử dụng, năng suất chỉ đạt 400.000-450.000 chai/năm thì nay đã tăng lên 1.000.000 chai/năm. Cùng với đó, chất lượng cũng có sự chuyển biến đáng kể, ngoài đảm bảo tiêu chuẩn về độ đạm, trong thành phần sản phẩm còn có các loại Vitamin, các khoáng chất cần thiết, đạt giá trị dinh dưỡng từ 650-700kcal/lit. Ngoài ra chất lượng sản phẩm còn được đảm bảo bằng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm HACCP, hạn sử dụng tối  thiểu 2-3 năm. Đồng thời năng suất tăng lên 55%/năm, doanh thu của đơn vị cũng nhờ đó mà tăng lên đáng kể đạt mức 30,8 tỷ đồng và lợi nhuận cũng đạt gần 4 tỷ đồng mỗi năm, thêm vào đó, đề án hoàn thành đã tạo việc làm mới cho 50 lao động địa phương. Năm 2012 công ty được Bộ Công Thương tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công giai đoạn 2007- 2012”.

Có thể nói, hoạt động khuyến công góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã được đề ra trong Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và của Trung ương lần thứ XI về thúc đẩy phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và góp phần tạo ra bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc, góp phần đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa- hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần ty trọng công nghiệp, giải quyết việc làm góp phần ổn định an sinh xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo ông Khá trong năm 2013 nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh vẫn tiếp tục được giữ vững như năm 2012, đồng thời với hiệu quả sử dụng nguồn kính phí nhà nước cấp cho các đề án, dự án, năm 2013 kinh phí khuyến công quốc gia đã đề nghị duyệt cấp 600 triệu đồng, gấp 2 lần so với năm 2012. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với Quảng Ninh trong việc triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất công nghiệp địa phương theo hướng phát triển bền vững.

Tác Giả: Anh Quân

Nguồn Tin: TTXTVPTCT