Trang chủ / Tin tức / Khuyến công Quảng Ninh đẩy mạnh hỗ trợ tiểu thủ công nghiệp

Khuyến công Quảng Ninh đẩy mạnh hỗ trợ tiểu thủ công nghiệp

In bài viết Chia sẻ:
Với chủ chương phát triển Kinh tế – Chính trị – Xã hội trong thời kỳ mới, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề ra hàng loạt phương hướng, giải pháp, chính sách hỗ trợ mang tính dài hạn đối với phát triển kinh tế, trong đó công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là một trong những hạng mục trọng yếu được quan tâm.

Một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới là chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, do đó cần phải phát triển mạnh các khu công nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống thu hút lao động. Việc chú trọng khai thác, phát huy thế mạnh trong sản xuất công nghiệp, đa dạng hóa các loại hình tiểu – thủ công nghiệp, cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.
Nhận thức được tiểu thủ công nghiệp có vai trò và vị trí rất quan trọng đối với nền kinh tế. Ngoài việc góp phần hỗ trợ và thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển,  tiểu thủ công nghiệp mở ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, tỉnh đã chủ động phát triển các làng nghề tại các huyện thị, ví dụ các làng nghề Gốm Sứ Đức Chính, Vĩnh Hồng (H. Đông Triều ), làng đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Thuỷ An, làng đan thuyền và ngư cụ Nam Hoà ( TX Quảng Yên),…  đã khẳng định được vị trí, phát triển ổn định, và phát huy theo hướng CNH-HĐH. Một số ngành nghề mới đang có dự án cũng cho thấy nhiều triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động như: chế biến nông sản, sản xuất bao bì, thêu thùa, may mặc…
Hoạt động khuyến công của Quảng Ninh trong những năm qua hướng mạnh về nông thôn, các xã miền núi và hải đảo đã mang lại nhiều hiệu quả đáng kể: Hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp tận dụng hết tiềm lực sẵn có và phát triển mở rộng quy mô. Khu vực các xã miền núi có nhiều lợi thế về lâm sản đã hình thành nhóm ngành nghề chế biến lâm sản như: nghề mộc dân dụng, chế biến dăm gỗ phục vụ cho công nghiệp, cho xuất khẩu… Các khu vực ven biển và hải đảo có các mô hình công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp như đóng tàu, thuyền, sửa chữa, chế biến thuỷ hải sản…
Với những đặc thù riêng cho từng vùng, miền như vậy, trong năm 2011 kinh phí khuyến công Quảng Ninh đã hỗ trợ cho 26 đề án, trong đó có 21 đề án hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở khu vực miền núi và hải đảo với tổng kinh phí khuyến công địa phương là 1,2 tỷ đồng và 130 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia. Năm 2012 nguồn kinh phí khuyến công Quảng Ninh hỗ trợ cho 35 đề án, trong đó có 25 đề án hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng kinh phí là 2,4 tỷ đồng, và nguồn kinh phí Quốc gia cho 3 đề án với kinh phí là 310 triệu đồng…
Bên cạnh đó công tác khuyến công cũng luôn quan tâm phối kết hợp với các địa phương đào tạo nghề cho các lao động, đặc biệt tại các huyện miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như: Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà… luôn được chú trọng. Năm nay Trung tâm khuyến công & Tư vấn PTCN Quảng Ninh đã phối kết hợp với các phòng Kinh tế & Hạ tầng xây dựng phương án đào tạo nghề Điện dân dụng và nghề Mộc dân dụng cho các huyện, gồm 3 lớp học, đào tạo 150 lao động, điều đó góp phần tạo ra nguồn lao động tại chỗ cho địa phương và cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thuận lợi trong vấn đề tìm nguồn nhân lực.
Đánh giá được hiệu quả thiết thực trong công tác khuyến khích, hỗ trợ cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thời gian tới đây, Trung tâm khuyến công & Tư vấn PTCN tiếp tục phối hợp với các huyện, thị, thành phố khảo sát xây dựng các đề án và triển khai theo tinh thần Nghị định số 45/2012/ND-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của chính phủ về khuyến công.
Đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế nông thôn, tỉnh Quảng Ninh đã chủ trương đầu tư mạnh mẽ cho kết cấu hạ tầng như Điện – Đường – Trường – Trạm, phục vụ cho các xã vùng cao, hải đảo và các tuyến liên thôn, liên xã. tạo điều kiện thuận tiện cho giao thông của nhân dân đồng bào các dân tộc giữa các vùng, điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giao thương giữa các huyện, các xã miền núi.
Nếu như trước đây, nhân dân các xã vùng cao phải xuống đến trung tâm huyện, thị mới mua được những sản phẩm dân dụng phục vụ nhu cầu đời sống, thì nay tại các Thôn, Bản đã có các hộ kinh doanh, các xưởng gia công sản xuất đáp ứng ngay được yêu cầu cần thiết. Mặc dù tại các xã vùng cao quy mô tiểu thủ công nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, các cơ sở sản xuất chỉ đầu tư trang thiết bị thô sơ, đôi khi có những ngành nghề còn hoạt động theo thời vụ, tuy nhiên việc hình thành các mô hình tiểu thủ công nghiệp tại các khu vực miền núi không những đạt giá trị lợi ích về mặt kinh tế mà còn thay đổi tư duy, nhận thức của người dân địa phương, góp phần ổn định Kinh tế – Chính trị – Văn hoá – Xã hội. Điều đó cho thấy một dấu hiệu tích cực đáng mừng, là một tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo của nền kinh tế.

Tác Giả: Lê Sỹ Trình

Nguồn Tin: TTXTVPTCT