Dệt may là ngành có truyền thống lâu đời và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nước ta vì nó phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, là ngành giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội và đặc biệt nó là ngành có thế mạnh trong xuất khẩu, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, góp phần cân bằng cán cân xuất nhập khẩu của đất nước.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19, ngành may mặc đang gặp nhiều khó khăn và thách thức do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng khi lệnh giãn cách xã hội và thói quen tiêu dùng thay đổi. Nhu cầu may mặc trên thị trường dệt may quốc tế vẫn đang bị thu hẹp. Nằm trong khó khăn chung của toàn ngành, song các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã rất nhạy bén để thích ứng với thực trạng và tiếp tục trụ vững bằng cách chuyển hướng sang sản xuất các loại quần áo bảo hộ và khẩu trang y tế. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp may, đảm bảo sự duy trì phát triển ngành may để giải quyết lao động địa phương, cần thiết phải hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
Sau khi khảo sát thực tế, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh đã lập đề án và được Bộ Công Thương phê duyệt hỗ trợ cho hai đơn vị làCông ty TNHH 1 thành viên Newstar và Công ty TNHH Tùng Yến Hạ Long ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất hàng may mặc. Việc đầu tư và hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất hàng may mặc cho các công ty trên là rất cần thiết, giúp các công ty chủ động trong sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là giúp các Công ty vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ, kế hoạch Công ty TNHH 1 thành viên Newstar sẽ đầu tư 09 máy may 1 kim điện tử và 10 máy may 2 kim di động. Tìm hiểu cho thấy máy may 1 kim điện tử là dòng máy JUKI mới có chức năng tự động cắt chỉ, lại mũi, dùng để may sản phẩm có độ dày cao. Máy có hộp điều khiển và bảng điều khiển được kết hợp vào một thân máy nguyên khối nên rất nhỏ gọn. Với cấu tạo liền trục và chế chống rò rỉ dầu không chỉ giúp ngăn chặn dầu bắn ra bên ngoài khi vận hành ở tốc độ cao cùng cơ chế phục hồi và tuần hoàn dầu tự động giảm thiểu tối đa vết dầu dính trên sản phẩm, mà còn làm tăng khả năng làm việc cũng như bảo quản máy. Do được trang bị chuẩn với cổng kết nối USB trên màn hình điều khiển và hộp điều khiển nên việc quản lý dữ liệu may và cập nhật phần mềm cho máy rất thuận tiện.
Đặc biệt, dòng sản phẩm này còn được Juki tích hợp hướng dẫn người sử dụng bằng giọng nói, giúp cải thiện hiệu quả làm việc nhờ tính năng hỗ trợ người công nhân bằng giọng nói khi lượng dầu ở mức thấp hoặc thông báo tốc độ vận hành máy. Máy may 2 kim di động là máy may 2 kim JUKI đầu tiên trang bị công nghệ đầu bán khô. Máy may có cơ chế tách trụ kim. Cơ chế kiểm soát sức căng chỉ được phát triển cho từng loại máy may để giúp đạt được độ căng chỉ phù hợp nhất cho tùy từng loại sản phẩm. Chức năng tối ưu hóa cơ chế đẩy của máy giúp tạo ra những đường may có sức căng chỉ hoàn hảo. Cơ chế cắt chỉ có độ tin cậy cao. Có thể lựa chọn hai cơ chế bôi trơn theo phương pháp mới. Giúp hạn chế việc dây dầu ra sản phẩm, ngay cả trong những công đoạn cần quay góc. Cơ chế bên trong của máy may đã được nghiên cứu kĩ lưỡng để cải thiện hơn về khả năng làm việc và bảo trì của máy. Cơ chế đóng mỏ hai trụ kim đã được cải tiến nên có thể thích hợp chuyển đổi hoạt động của hai trụ kim góp phần giúp cải thiện công đoạn may góc. Máy may 2 kim di động giúp tăng năng suất sản phẩm khẩu trang phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Cũng với số kinh phí 300 triệu đồng từ nguồn khuyến công quốc gia, Công ty TNHH Tùng Yến Hạ Long đã mạnh dạn đầu tư Máy đính cúc điện tử, Máy Ép mex và bộ nồi hơi Liang Da – bàn hút Misuko. Bằng việc ứng dụng các thiết bị máy móc, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất hàng may mặc, quá trình sản xuất của đơn vị sẽ không gây ồn, ít khói bụi, không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Đặc biệt là tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tin rằng với sự hỗ trợ, tiếp sức từ chương trình khuyến công, thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp, cơ sở may sẽ phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, hướng đến phát triển sản xuất bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh./.