Trang chủ / Tin tức / Khuyến công hố trợ phát triển công nghiệp chế biến thủy sản gắn với cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh quảng ninh

Khuyến công hố trợ phát triển công nghiệp chế biến thủy sản gắn với cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh quảng ninh

In bài viết Chia sẻ:

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP (nay là Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về Khuyến công) và 2 năm thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020, công nghiệp chế biến thủy sản tại tỉnh Quảng Ninh đã có những bước phát triển nhanh chóng, góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Đây cũng là cơ sở để Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.

Trong giai đoạn 2005-2015, tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ tại tỉnh Quảng Ninh là 16,75 tỷ đồng cho 309 đề án, trong đó có 287 đề án từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương và 22 đề án từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Nguồn kinh phí khuyến công tuy không nhiều song đã khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các hộ kinh doanh đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến thuỷ sản tại Quảng Ninh.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công, các cơ sở chế biến sứa của các Hộ kinh doanh tại thị Trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã được đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ chế biến sứa – một đặc sản của huyện đảo Cô Tô. Mặc dù nguồn vốn khuyến công hỗ trợ cho các Hộ kinh doanh trên huyện đảo còn hạn chế ở mức 80-90 triệu đồng/hộ nhưng cũng đã góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động ở địa phương. Như Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Kỳ, cơ sở chế biến sứa mỗi năm đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng cho Hộ kinh doanh.

Cơ sở sản xuất nước mắm của Công ty cổ phần thuỷ sản Đại Yên

Trong những năm qua, ngoài các Hộ kinh doanh sản xuất sứa ở huyện Cô Tô, nguồn kinh phí khuyến công còn hỗ trợ các Hộ kinh doanh, Doanh nghiệp sản xuất, chế biến thuỷ sản tại huyện Vân Đồn, thị xã Quảng Yên, thành phố Hạ Long, tiêu biểu năm 2009, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ cho Công ty cổ phần thủy sản Đại Yên 90 triệu đồng để hoàn thiện quy trình sản xuất nước mắm cao cấp. Với hệ thống chưng cất nước mắm mới, chất lượng sản phẩm của công ty được nâng cao, doanh thu của công ty tăng từ 130-150%, đạt hơn 5 tỷ đồng năm 2009. Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Giám đốc công ty cho biết “Kinh phí hỗ trợ trong đề án khuyến công không lớn, nhưng điều lớn nhất công ty có được từ hoạt động khuyến công là trình độ quản lý được nâng cao, quy trình lập và thực hiện đề án mang lại hiệu quả kinh tế”.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, cơ cấu ngành kinh tế đến năm 2020: Dịch vụ 48-49%; Công nghiệp – xây dựng 47-48%; Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 3-5%. Hiện nay, Chỉ tính trong năm 2015, tổng sản lượng thủy sản của cả tỉnh đạt trên 103.000 tấn, tăng 5,3% so với năm 2014, trong đó sản phẩm nuôi trồng đạt trên 46.000 tấn, sản phẩm khai thác đạt trên 57.000 tấn, giá trị thành phẩm năm sau cao hơn năm trước, công nghiệp chế biến thủy sản tại Quảng Ninh đang được chú trọng. Với nguồn kinh phí khuyến công được cấp hàng năm, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ cho các vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo phát triển lĩnh vực chế biến thủy sản, đào tạo nghề…

Nguồn kinh phí khuyến công tuy không nhiều song đã góp phần giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các Hộ kinh doanh tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương, đồng thời là một trong những yếu tố đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020./.

Tác Giả: VANGCHUEMOUA Vanxay

Nguồn Tin: TTKC&TVPTCN