Sau 25 năm xây dựng và phát triển (tính từ ngày 25/7/1997 khi KCN Cái Lân (TP Hạ Long) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập tại Quyết định số 578/TTg), các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã dần lớn mạnh và đạt được nhiều kết quả hoạt động tích cực. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các KKT, KCN, CCN của tỉnh đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế, cần có định hướng phát triển mới đồng bộ, thống nhất và hướng đến hiệu quả cao hơn nhằm đóng góp tích cực vào GRDP của tỉnh và ngân sách nhà nước.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 5 KKT (2 KKT ven biển và 3 KKT cửa khẩu), 10 KCN đã được cấp có thẩm quyền quyết định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập (trong đó có 8 KCN đã đón các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất để thực hiện dự án đầu tư) và 8 CCN đang hoạt động. Trải qua một quá trình xây dựng và hoạt động tích cực, các KKT, KCN, CCN đã đóng góp vai trò quan trọng, từng bước khẳng định là các mũi đột phá, hạt nhân động lực để phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các KKT, KCN, CCN của tỉnh vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa thu hút được các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, động lực, tạo sức lan toả; thiếu các nhà đầu tư chiến lược dẫn dắt, trong đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế; ngành nghề thu hút đầu tư mang lại giá trị gia tăng chưa cao; các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa nhiều. Đặc biệt, việc phát triển kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, công nghiệp chế biến chế tạo… còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, mặc dù dư địa tăng trưởng còn rất lớn; tỷ lệ lấp đầy trong các KCN còn thấp; tình trạng các dự án đầu tư chậm tiến độ còn khá phổ biến; một số dự án sử dụng nhiều tài nguyên nên tiềm ẩn ô nhiễm môi trường và sử dụng nhiều lao động phổ thông, năng suất lao động không cao; nhiều dự án hoạt động không hiệu quả…
Doanh thu thuần của các doanh nghiệp đang hoạt động tại các KKT, KCN, CCN trong giai đoạn 2015-2020 chỉ đạt 29% tổng doanh thu thuần của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đóng góp vào GRDP của tỉnh và ngân sách nhà nước còn hạn chế. Giai đoạn 2015-2020, các doanh nghiệp trong KKT, KCN và CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đóng góp cho ngân sách nhà nước (NSNN) gần 11.200 tỷ đồng (chỉ chiếm 5,3% tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh trong cùng giai đoạn). Ngoài ra, hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa tại các KKT, KCN vẫn còn thiếu và yếu…
Trước thực trạng đó, hiện tỉnh đang gấp rút hoàn thiện Đề án phát triển bền vững các KCN, KKT, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến 2040 với sự tham gia tư vấn của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam). Đề án đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, thu hút đầu tư vào KKT, KCN, CCN phấn đấu tăng bình quân 10%/năm, cả giai đoạn ước đạt 140.000 tỷ đồng (tương đương 6 tỷ USD); bình quân hàng năm đạt 28.000 tỷ đồng (tương đương 1,25 tỷ USD); tổng vốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 40.000 tỷ đồng, bình quân 8.000 tỷ đồng/năm (đạt 80% tổng vốn thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh). Đến năm 2030, mức tăng bình quân sẽ đạt 8%/năm, cả giai đoạn ước đạt 215.000 tỷ đồng (tương đương 9,0 tỷ USD); thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 80.000 tỷ đồng, bình quân 16.000 tỷ đồng/năm…
Đến năm 2025, các KKT, KCN, CCN sẽ tạo được 22.000 việc làm mới (tương đương 4.400 việc làm mới/năm); đến năm 2030 được 30.000 việc làm mới (6.000 việc làm mới/năm). Tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN, CCN đang hoạt động năm 2025 đạt trên 60% và năm 2030 đạt trên 75%.
Tỉnh cũng sẽ tích cực xây dựng các KCN sinh thái, KCN công nghệ cao; đảm bảo 100% các KCN, CCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường; đáp ứng 50% nhu cầu nhà ở xã hội của người lao động trong KCN…
Tỉnh cũng đặt ra 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững các KKT, KCN, CCN trong giai đoạn mới. Trong đó trước hết tập trung vào việc đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong xây dựng và phát triển các KKT, KCN, CCN. Đồng thời tăng cường quản lý và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, tài nguyên, bảo vệ môi trường; hoàn thiện thể chế; huy động nguồn lực đầu tư và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội ở các KKT, KCN, CCN.
Bên cạnh đó là các nhiệm vụ trọng tâm khác như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút lao động; tăng cường xúc tiến và quản lý đầu tư và đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số; đảm bảo an toàn, an ninh trong các KKT, KCN, CCN…
Thời gian tới, khi Đề án được hoàn thiện, phê duyệt và trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, chắc chắn tỉnh và các sở, ngành chức năng, các địa phương sẽ có thêm cơ sở để nhận diện, đánh giá và khắc phục các tồn tại, hạn chế thực tế trong giai đoạn phát triển mới của các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh; giúp khai thác và phát huy tối đa tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo… đóng góp cho sự phát triển KT-XH bền vững chung của tỉnh.