Trong những năm gần đây, hoạt động khuyến công của cả nước nói chung và 28 tỉnh thành khu vức phía Bắc nói riêng đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Quy mô, chất lượng của các đề án ngày càng được nâng cao, đã có tác động rõ nét đến sự phát triển công nghiệp ở nông thôn.
- Hoạt động khuyến công: Hướng tới hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm
- Sở công thương tỉnh Quảng Ninh làm việc với đoàn công tác của cục công nghiệp địa phương
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025
- 1 đồng vốn khuyến công thu hút 4 đồng vốn đối ứng từ cơ sở công nghiệp nông thôn
Cùng với đó, hoạt động khuyến công cũng nhận được sự quan tâm ngày càng nhiều từ phía lãnh đạo các ngành, các cấp tại mỗi địa phương, qua đó, đã góp phần tích cực trong triển khai các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, giúp DN ổn định SXKD, tháo gỡ phần nào khó khăn về vốn đầu tư.
Kết quả đạt được
Năm 2018, do Bộ Tài chính yêu cầu giải trình kế hoạch đối với các dạng đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến thực hiện đơn lẻ nên việc giao và triển khai thực hiện các đề án chậm hơn so với năm 2017, do đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình, đề án trong 6 tháng đầu năm.
Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương, tổng kinh phí khuyến công (KC) năm 2018 được duyệt của 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc là 130,005 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6/2018, kinh phí toàn vùng đã thực hiện đạt 46,022 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2017, đạt 35,4% kế hoạch năm. Cụ thể, đối với công tác đào tạo, truyền nghề và nâng cao tay nghề đã thực hiện đào tạo nghề cho 745 lao động, với kinh phí thực hiện là 1,082 tỷ đồng, đạt 17,77% kế hoạch. Công tác nâng cao năng lực quản lý được triển khai nhanh nhất, với kinh phí thực hiện là 3,99 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch. Cũng trong 6 tháng qua, 8 mô hình trình diễn kỹ thuật đã được tổ chức thực hiện; hỗ trợ được 146 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào dây chuyền sản xuất, hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 2 cơ sở CNNT, với tổng kinh phí thực hiện là 26,574 tỷ đồng, đạt 38% kế hoạch. Công tác phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu đã thực hiện được 5.896, đạt 29% kế hoạch, trong đó, đã tổ chức 01 hội chợ, hỗ trợ 95 cơ sở CNNT tham gia; hỗ trợ đăng ký và xây dựng thương hiệu cho 3 cơ sở CNNT. Hỗ trợ 13 dự án tư vấn lập dự án đầu tư, marketing, quản lý sản xuất – tài chính – kế toán – nhân lực, giải ngân được 560 triệu đồng, đạt 26,54% kế hoạch. Công tác cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp khuyến công đã giải ngân được 3,895 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch. Chương trình hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp đã thực hiện được 1,36 tỷ đồng, đạt 14,55% kế hoạch. Cùng với đó, hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp trong 6 tháng đầu năm đã tư vấn cho 115 dự án, với doanh thu đạt 4,301 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và đạt 40% kế hoạch.
Mặc dù do yếu tố khách quan dẫn đến việc triển khai thực hiện các đề án bị chậm so với kế hoạch. Tuy nhiên, nhờ công tác quản lý nhà nước về KC ngày càng được củng cố; tổ chức hệ thống KC được quan tâm đầu tư, kết nối hoạt động ngày càng hiệu quả; công tác xây dựng, thẩm định, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện và thanh quyết toán đề án có nhiều chuyển biến tích cực, nên các đề án KC triển khai thực hiện đạt kết quả tốt, đã hỗ trợ khuyến khích các cơ sở CNNT thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Mặt khác, còn khuyến khích các cơ sở CNNT khai thác tốt tiềm năng nguồn nguyên liệu hiện có trên địa bàn các tỉnh, thành phố, tạo ra giá trị sản xuất chung của ngành, sự chuyển dịch cơ cấu CNNT theo hướng công nghiệp hóa.
Giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ
Từ kết quả thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm, để hoàn thành kế hoạch KC năm 2018, Cục Công Thương địa phương đã đề ra những giải pháp chính cần thực hiện trong những tháng còn lại đó là: Tiếp tục triển khai đồng bộ Chương trình hành động của ngành Công Thương về thực hiện các Nghị quyết số 01 và 19 năm 2018; Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện đề án khuyến công đảm bảo đúng tiến độ, quy định; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án khuyến công; kịp thời tạm ứng kinh phí thực hiện đề án thanh lý hợp đồng và quyết toán kinh phí theo quy định. Thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch KC năm 2019 theo hướng xây dựng các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm; rà soát nhu cầu của đối tượng thụ hưởng, xây dựng đề án điểm, đề án nhóm, đề án hỗ trợ cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia, đảm bảo có sự liên kết, tác động lan tỏa, tránh việc dàn trải, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp; chú trọng phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hướng tới hình thành các cụm công nghiệp hỗ trợ theo cụm liên kết chuỗi, ngành, xây dựng mô hình các cơ sở CNNT đi đầu, dẫn dắt các cơ sở khác tại địa phương. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần tăng cường thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác KC; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác KC; đầu tư cơ sở vật chất, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đồng thời quan tâm bố trí kế hoạch vốn cho hoạt động KC. Đẩy mạnh và mở rộng phương thức hoạt động thông tin tuyên truyền nhằm chuyển tải đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin về cơ chế, chính sách, hoạt động KC và công nghiệp địa phương tới các cơ sở CNNT. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, tạo nguồn thu và hỗ trợ thực hiện các hoạt động KC ngày càng hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm, qua đó, vừa phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương, vừa liên kết khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng, lợi thế của cả vùng…
Có thể thấy, mặc dù hoạt động KC trong 6 tháng đầu năm của các tỉnh, thành khu vực phía Bắc đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn chậm. Để hoàn thành được kế hoạch được giao thì nhiệm vụ trước mắt là khá nặng nề, đòi hỏi Sở Công Thương, Trung tâm KC, cùng chính quyền các cấp ở địa phương và các cơ sở CNNT phải tăng tốc, tập trung triển khai thực hiện các chương trình, đề án thì mới có thể hoàn thành tốt được kế hoạch được giao./.