Năm 2023, đánh dấu kỷ lục mới của Quảng Ninh trong thu hút vốn FDI khi đạt hơn 3,1 tỷ USD, đưa Quảng Ninh từ tỉnh kém hấp dẫn về đầu tư vươn lên tốp đầu cả nước. Để có được kết quả này, bên cạnh việc triển khai hiệu quả các kế hoạch xúc tiến đầu tư, tỉnh đã tập trung đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), đảm bảo các điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư phát triển tại tỉnh bền vững.
Kể từ thời điểm xây dựng KCN Cái Lân – KCN đầu tiên của tỉnh (1997), đến nay, Quảng Ninh đã có tổng số 15 KCN đã và đang triển khai đầu tư. Trong đó, có 8 KCN đang khai thác, vận hành hiệu quả, là nơi hoạt động sản xuất của hơn 120 nhà đầu tư thứ cấp chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp từ 3-5% tăng trưởng GRDP của tỉnh mỗi năm; tỷ lệ lấp đầy trung bình tính theo diện tích đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê trên tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê của các KCN đều đạt gần 50%.
Xác định công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những ngành kinh tế quan trọng, trụ cột chính của nền công nghiệp, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025. Từ đó, đề ra 38 nhiệm vụ thuộc 8 nhóm giải pháp với mục tiêu thu hút có chọn lọc các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách.
Tỉnh cũng định hướng phát triển các KCN theo chiều sâu, trên cơ sở định hướng không gian phát triển và quy hoạch chung của tỉnh, được nghiên cứu bài bản, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, tăng tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế, tăng tính liên kết, hình thành các cụm sản xuất có quy mô lớn, tập hợp các ngành liên kết. Các KCN được đẩy mạnh phát triển bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp – khu đô thị – khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Song song với đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối khi đưa vào khai thác, sử dụng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, cầu Bến Rừng, trục cao tốc dọc tỉnh nối liền Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái; các tuyến đường nối đến các KCN; chủ động đề xuất với Bộ Công Thương, ngành điện bổ sung năng lực cung cấp điện phục vụ các KCN phát triển…
Hiện khu vực miền Đông của tỉnh, các KCN Hải Yên, TP Móng Cái; KCN Texhong, huyện Hải Hà đã đảm bảo tốt các điều kiện về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thu hút được 31 nhà đầu tư thứ cấp đã và đang hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho gần 16.000 lao động. Tại khu vực TP Hạ Long, KCN Cái Lân và KCN Việt Hưng đã ổn định về hạ tầng, là chỗ hoạt động lâu dài cho 41 dự án. Tuy nhiên tại KCN Cái Lân, đa phần là các doanh nghiệp đã được thu hút từ lâu, công nghệ lạc hậu, các dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động còn thiếu.
Khu vực tập trung đông KCN nhất toàn tỉnh đó là TX Quảng Yên với 4 KCN còn lại. Trong đó, KCN Đông Mai đã đáp ứng cơ bản về hạ tầng kỹ thuật phục vụ 26 dự án của các nhà đầu tư thứ cấp phát triển, tỷ lệ lấp đầy hiện đạt 86,05%. Để đón đầu xu hướng phát triển mới, chủ đầu tư đang đề nghị điều chỉnh mở rộng, thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp mới. Đối với KCN Sông Khoai, do tính chất vị trí trung tâm, hạ tầng đầu tư mới, dư địa phát triển tốt, vì thế đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư quốc tế. Hiện chủ đầu tư là Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long đã hoàn thành các tuyến đường gom, đường nội bộ, hạ tầng điện, nước và xử lý nước thải. KCN Sông Khoai giai đoạn 1 đã có 16 dự án FDI triển khai đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,5 tỷ USD, tỷ lệ lấp đầy đã đạt 100%. Tuy nhiên, năng lực cung cấp điện cho KCN hiện còn thiếu, chỉ đáp ứng được thời gian trước mắt và cần bổ sung lâu dài. Trong giai đoạn tiếp theo, chủ đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thành hạ tầng các phân khu còn lại để tạo mặt bằng cho nhà đầu tư phát triển. Đối với 2 KCN Nam, Bắc Tiền Phong, hiện chủ đầu tư vẫn đang khẩn trương hoàn thiện hạ tầng cơ sở, tuy nhiên đến nay cũng đã đón được 21 nhà đầu tư thư cấp vào hoạt động, triển khai xây dựng hạ tầng để bắt đầu sản xuất…
Có thể thấy, đến thời điểm này, hạ tầng các KCN của Quảng Ninh đang phát triển mạnh mẽ, cơ bản đầu tư đồng bộ, đáp ứng được các yêu cầu đối với các nhà đầu tư thứ cấp, đưa Quảng Ninh trở thành các trung tâm sản xuất, chế biến, chế tạo của khu vực. Điểm nhấn quan trọng, mô hình “3 trong 1” đã được triển khai hiệu quả, nhu cầu về nhà ở công nhân, cơ sở vật chất đang được bổ sung hoàn thiện… Điều này, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm, gắn bó, phát triển mở rộng tại tỉnh mà còn đón nhận sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư quốc tế mới, là những nhãn hàng uy tín, thương hiệu đẳng cấp trên thị trường. Đây chính là động lực quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh những năm qua và thời gian tiếp theo.