Trang chủ / Tin tức / Hỗ trợ cho doanh nghiệp ở huyện miền núi, hải đảo phát triển

Hỗ trợ cho doanh nghiệp ở huyện miền núi, hải đảo phát triển

In bài viết Chia sẻ:

Năm 2017 trên cơ sở khảo sát, đánh giá nhu cầu cũng như khả năng thực hiện đề án khuyến công của các doanh nghiệp, khuyến công Quảng Ninh luôn ưu tiên dành nhân lực và vật lực cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện miền núi, hải đảo của tỉnh được thụ hưởng chính sách khuyến công. Đặc biệt là các huyện hải đảo để tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển.

Cơ sở sản xuất của HTX phát triển xanh – huyện Bình Liêu

Mặc dù nguồn ngân sách địa phương dành cho quỹ khuyến công của Quảng Ninh năm 2017 là 1,0 tỷ đồng nhưng nhiều doanh nghiệp ở địa bàn huyện miền núi, hải đảo của tỉnh đã được tiếp cận với nguồn vốn này, đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn đầu tư trang thiết bị máy móc tiếp tục phát huy hiệu quả, phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Năm 2017, khuyến công Quảng Ninh triển khai thực hiện được 8 đề án tại các huyện miền núi, hải đảo với kinh phí hỗ trợ 720 triệu đồng, đến nay các đề án đã được nghiệm thu và đi vào sản xuất.

Tiêu biểu, tại huyện đảo Cô Tô có Đề án “Đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất đá lạnh công nghiệp phục vụ đánh bắt hải sản” do Hộ kinh doanh Bùi Văn Chiến, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô thực hiện, công suất 10.000 tấn/năm. Đề án có tổng kinh phí thực hiện 775 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng cho hạng mục đầu tư cụm máy nén giàn ngưng. Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, để bảo đảm công suất theo dự kiến, việc lựa chọn máy móc, thiết bị đồng bộ là cần thiết. Với thiết bị này, cơ sở hoàn toàn chủ động trong việc sản xuất, có thời gian nghỉ bảo dưỡng, thay thế các chi tiết nhanh hỏng. Đề án hoàn thành đã giúp doanh nghiệp sản xuất đá lạnh phục vụ cho các tàu cá trong khu vực làm tăng doanh thu, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế của địa phương.

Tương tự, tại huyện Bình Liêu có Đề án “Đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sấy nông sản/dược liệu” thực hiện tại Hợp tác xã phát triển xanh cũng là điểm nhấn của khuyến công Quảng Ninh. Sự đồng hành của công tác khuyến công đã giúp giảm gánh nặng kinh phí và khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Hoạt động khuyến công đã tác động và khuyến khích được một số cơ sở tại khu vực miền núi, hải đảo mạnh dạn đầu tư thiết bị tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Để công tác khuyến công của tỉnh thực hiện tốt hơn nữa, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ninh đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm, hỗ trợ thêm kinh phí hàng năm để triển khai được nhiều đề án, mang hiệu quả cho doanh nghiệp và góp phần phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp của tỉnh./.

Tác Giả: VANGCHUEMOUA Vanxay

Nguồn Tin: TTXTVPTCT