Bằng hình thức đào tạo tại chỗ, ngắn hạn (dưới 1 năm), gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, các Sở Công Thương đã thực hiện đa dạng hóa các ngành nghề, chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế; đồng thời, phối hợp với các trường, cơ sở đào tạo nghề để đào tạo công nhân lành nghề cho các doanh nghiệp.
Công tác đào tạo tập trung vào một số ngành, nghề chính là: công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ khí gia công sản xuất, sửa chữa máy móc, nông cụ; sản xuất hàng tiêu dùng hoặc hàng xuất khẩu (như dệt, may, da giày,…); sản xuất các sản phẩm tại các làng nghề truyền thống; đào tạo nhân cấy nghề để hình thành nghề và làng nghề mới tại các vùng có tiềm năng, lợi thế về nguyên liệu và lao động. Trong đó, ưu tiên các đề án đào tạo nghề cho lao động vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người và lao động sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất; đào tạo lao động cho các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất, các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu; đào tạo nghệ nhân, thợ giỏi để hình thành đội ngũ giảng viên phục vụ chương trình đào tạo nghề và phát triển nghề ở nông thôn…
Thông qua các lớp dạy nghề, trình độ tay nghề của người lao động được nâng lên, năng suất lao động cao hơn. Đào tạo có địa chỉ cụ thể nên lao động sau đào tạo đều được các doanh nghiệp bố trí việc làm ổn định. Ngoài ra, chương trình dạy nghề, truyền nghề còn là động lực khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất; giúp bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, nhân rộng thêm nhiều làng nghề mới, làm gia tăng giá trị sản xuất.
Còn nhiều khó khăn
Mục tiêu của công tác khuyến công đến năm 2015 đào tạo được khoảng 150.000 lao động; hỗ trợ khoảng 15.000 lượt học viên tham gia các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý; Đến năm 2020 đào tạo được khoảng 300.000 lao động; hỗ trợ khoảng 30.000 lượt học viên tham gia các khoá đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý. Để đạt được mục tiêu này,hoạt động khuyến công còn nhiều việc phải làm.
Tuy nhiên, việc phát triển, nhân cấy ngành nghề ở nhiều địa phương còn gặp không ít khó khăn, bởi nghề đào tạo chủ yếu là nghề mới, thời gian đào tạo ngắn, người lao động chỉ sản xuất được một số mặt hàng đơn giản, giá thành thấp, vì vậy thu nhập từ nghề chưa cao khiến người lao động chưa mặn mà với nghề mới được đào tạo. Phần lớn các cơ sở sản xuất đều gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, công tác tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ. Đặc biệt, việc đào tạo nghề tại các huyện miền núi rất vất vả, nhất là khi kinh phí dành cho các dự án còn thấp nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Trình độ người lao động không đồng đều làm cho thời gian đào tạo kéo dài. Quy định về hồ sơ thủ tục hỗ trợ đào tạo nghề còn rườm rà, các doanh nghiệp nhỏ năng lực hạn chế… Bên cạnh đó, không ít cơ sở dạy nghề chưa tìm ra phương pháp, nội dung giảng dạy phù hợp; thiếu sự gắn kết giữa các lực lượng, hạn chế về nguồn lực thực hiện, dẫn đến hiệu quả dạy nghề, truyền nghề còn hạn chế.
Theo các doanh nghiệp, để đảm bảo chất lượng đào tạo nghề, các địa phương cần ưu tiên nguồn vốn. Công tác dạy nghề, truyền nghề phải có những bước đi và cách làm phù hợp. Thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho lao động tiếp cận nhanh với nghề và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu, quan tâm đầu tư học nghề. |