Trang chủ / Tin tức / Hiệu quả của mô hình trình diễn kĩ thuật sản xuất gỗ ván ghép thanh

Hiệu quả của mô hình trình diễn kĩ thuật sản xuất gỗ ván ghép thanh

In bài viết Chia sẻ:

Nghị quyết số 151/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh thông qua quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 với mục tiêu hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gỗ lớn gắn với chế biến lâm sản chất lượng cao để phục vụ sản xuất tiêu dùng và xuất khẩu.

Với diện tích quy hoạch rừng sản xuất lên đến 266.355,4 ha, có 172.764,3 ha rừng trồng là rừng sản xuất (bao gồm rừng nguyên liệu gỗ nhỏ; vùng sản xuất gỗ lớn; rừng đặc sản, sản xuất dầu, nhựa và lâm sản ngoài gỗ khác), khai thác gỗ rừng trồng bình quân 540.000 m3/năm, cung cấp nguyên liệu cho chế biến lâm sản phục vụ sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đây là sản lượng không nhỏ, là nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành chế biến lâm sản. Hiện nay nguyên liệu gỗ rừng trồng mới sử dụng một số lượng nhỏ để sản xuất sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu còn lại chủ yếu được sử dụng thô như băm dăm, dùng chống lò và làm củi đốt chứ chưa tạo ra được những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. 

Nhận thấy thế mạnh về nguồn nguyên liệu rừng trồng của tỉnh, đồng thời để khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ninh đã tích cực tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư mở rộng, đổi mới công nghệ sản xuất để tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Điển hình năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Quảng Ninh đã phối hợp với Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Ninh thực hiện đề án khuyến công quốc gia “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ ván ghép thanh”. Mô hình được xây dựng với công suất 2.000m3 sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư dự án 10 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 250 triệu đồng. Đây cũng là mức hỗ trợ cao đối với đề án Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tại tỉnh Quảng Ninh. Sau 02 năm mô hình hoàn thành và đi vào sản xuất đã tiêu thụ khoảng 6.000m3 gỗ rừng trồng/năm, giúp Công ty đạt mức doanh thu hơn 21 tỷ đồng mỗi năm. Mô hình cũng đã tạo việc làm cho 57 lao động tại địa phương, với thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Phân xưởng ghép thanh của Công ty cổ phần lâm sản Quảng Ninh
Phân xưởng ghép thanh của Công ty cổ phần lâm sản Quảng Ninh

Theo Bà Trần Thị Lan – Giám đốc Công ty cho biết: Những năm 2010 đến 2012 việc sản xuất lâm sản của công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ sản phẩm, được sự giúp đỡ của Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Công ty đã mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại để sản xuất (như Công ty đã đã lắp đặt hệ thống sản xuất mới theo công nghệ của Nhật Bản bao gồm: Hệ thống nồi hơi, hệ thống lò sấy, dây chuyền sản xuất ván ghép, máy phay mộng Finger…..) với việc hỗ trợ của chương trình khuyến công cho doanh nghiệp là rất kịp thời và cần thiết, là sự động viên giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn ban đầu. Đến nay với những hợp đồng xuất khẩu sản phẩm ván ghép thanh đã ký kết với đối tác, công ty tiếp tục nghiên cứu đầu tư dây chuyền công nghệ mới sản xuất ván ghép thanh tự động dự kiến hoàn thành trong năm năm 2016, với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại nguồn thu cho công ty và đóng góp ngân sách cho địa phương.

Chính sách khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ván ghép thanh đã mang lại hiệu quả kinh tế, không chỉ góp phần giúp doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm mới, nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, đặc biệt công tác khuyến công tỉnh đã tạo đà cho các cơ sở công nghiệp nông thôn có thêm động lực phát triển và góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp./.

Tác Giả: Thành Lộc

Nguồn Tin: TTXTVPTCT