Thời gian qua, TP Hạ Long đã quan tâm đầu tư nguồn lực, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ làm tiền đề để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các khu công nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Để làm tiền đề cho phát triển, năm 2020, sau khi tiến hành mở rộng không gian đô thị, sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, thành phố đã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh thi công các dự án kết nối, hạ tầng cơ sở, bố trí vốn cho 241 dự án. Trong đó, vốn đầu tư mới cho 59 dự án, còn lại là các dự án hoàn thành, chuyển tiếp với tổng nguồn vốn cần giải ngân lên đến gần 4.000 tỷ đồng.
Thành phố đã đẩy mạnh việc phối hợp triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh trên địa bàn, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, nhằm kết nối giữa khu vực các xã và trung tâm thành phố như: Dự án cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3; đường nối Khu công nghiệp Cái Lân với Khu công nghiệp Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn. Trong đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai, thành phố đã thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Thành phố cũng triển khai đồng bộ các giải pháp phối hợp, huy động sự vào cuộc của các đoàn thể; tăng cường tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách, động viên, thuyết phục nhân dân chấp hành tốt chủ trương giải phóng mặt bằng, bàn giao đất và tạo điều kiện cho các dự án được triển khai.
Đồng thời, TP Hạ Long đã chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân, kịp thời phát hiện những bất hợp lý, vấn đề mới phát sinh; có biện pháp cương quyết đối với trường hợp cố tình không chấp hành, qua đó đảm bảo được tiến độ bàn giao đất cho chủ đầu tư triển khai các dự án. Năm 2020, TP Hạ Long thực hiện giải phóng mặt bằng đối với 105 dự án, ảnh hưởng tới trên 7.300 đơn vị, hộ dân. Hầu hết các dự án đều đã giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, không có dự án nào vì vướng mặt bằng mà ảnh hưởng đến việc triển khai dự án của các doanh nghiệp và chủ đầu tư, trong đó nhiều dự án trọng điểm như: Cải tạo, nâng cấp QL18A, đoạn từ nút giao đường Hoàng Quốc Việt đến cầu Bãi Cháy; tuyến đường nối Khu Công nghiệp Cái Lân qua Khu Công nghiệp Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn; cầu Cửa Lục 1; tuyến đường kết nối từ điểm đầu cầu Cửa Lục 1 đến ngã ba Kênh Đồng; hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Việt Hưng…
Với những giải pháp tích cực, TP Hạ Long đã tạo đà cho các khu công nghiệp trên địa bàn phát triển, thu hút đầu tư hiệu quả. Nổi bật như tại Khu Công nghiệp Việt Hưng, Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng đã phối hợp chặt chẽ với TP Hạ Long thực hiện kiểm đếm, hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng. Qua đó, tạo điều kiện để chủ đầu tư đang triển khai đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trên diện tích đất giai đoạn 1, với các hạng mục san nền, hệ thống giao thông, cấp thoát nước, cấp điện… Đến nay, Khu Công nghiệp Việt Hưng giai đoạn 1 hiện đã thu hút được 10 dự án đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh (6 dự án FDI, 4 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký trên 2.100 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 2.400 lao động.
Đặc biệt, năm 2020, trên địa bàn TP Hạ Long đã thu hút được đầu tư từ Tập đoàn Thành Công triển khai dự án Nhà máy sản xuất ô tô tại KCN Việt Hưng với tổng vốn đầu tư trên 4.500 tỷ đồng và Dự án Trung tâm Dịch vụ và hạ tầng ô tô Thành Công Việt Hưng có tổng nguồn vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng.
Ông Đào Phong Trúc Đại, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng, chia sẻ: Ưu điểm lớn nhất của TP Hạ Long nói riêng, cũng như tỉnh Quảng Ninh nói chung so với các địa phương khác là luôn giữ được địa bàn an toàn, ổn định, có hệ thống hạ tầng giao thông rất hiện đại, tính liên kết vùng cao. Cùng với đó là nguồn nhân lực trẻ dồi dào và sự nỗ lực không ngừng trong xây dựng một chính quyền kiến tạo.
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính được coi trọng, thành phố tiếp tục thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Hành chính công, tập trung các giải pháp nhằm tăng số lượng hồ sơ trả trước hạn, giảm tỷ lệ hồ sơ quá hạn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm và thái độ phục vụ của đội ngũ công chức. Thành phố đã phân công lãnh đạo các phòng chuyên môn trực tiếp giải quyết theo “5 bước tại chỗ: Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả” tại Trung tâm Hành chính công. Để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, thành phố cũng thường xuyên tổ chức đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư, để thúc đẩy sản xuất, đầu tư các dự án trên địa bàn.