Tuyên Quang: Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thônTiếp sức cho doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn phát triển |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục Công Thương địa phương (Trung tâm Khuyến công 1) cho hay, Trung tâm Khuyến công 1 có nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại ở khu vực nông thôn.
Hội nghị trực tuyến nhằm giới thiệu, quảng bá và hiệu chỉnh sàn giao dịch thương mại điện tử D2C. Ảnh: Văn Đốc |
Từ khi thành lập (năm 2009) đến nay, Trung tâm Khuyến công 1 đã phối hợp với các địa phương khu vực phía Bắc triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp nông thôn, trong đó có nội dung đổi mới công tác khuyến công theo chuỗi ngành và chuyển đổi số.
Riêng về sàn giao dịch thương mại điện tử D2C (fairs.vn)-cầu nối trực tiếp từ nhà sản xuất và người tiêu dùng, ông Thắng thông tin, để hình thành và ra mắt được sàn giao dịch này, Trung tâm Khuyến công 1 đã phối hợp với các đơn vị giải pháp phần mềm trong gần 3 năm qua tiến hành khảo sát, đánh giá và số hoá hoạt động sản xuất, sản phẩm, vùng nguyên liệu tại các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. “Trong quá trình triển khai có nhiều thuận lợi và khó khăn”, ông Thắng nói.
Về thuận lợi, theo ông Thắng, trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng không thể đảo ngược, suốt quá trình xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử D2C Trung tâm Khuyến công 1 nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các địa phương và cơ sở công nghiệp nông thôn, cùng đó là sự đa dạng các giải pháp số.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục Công Thương địa phương. Ảnh: Văn Đốc |
Dù vậy, những thách thức đơn vị gặp phải trong quá trình xây dựng sàn cũng không ít, khi khả năng tiếp cận công nghệ số và chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực con người chưa đáp ứng tốt.
“Dù rất nhiều khó khăn, chúng tôi xác định không bỏ cuộc, kiên trì và liên tục đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng nên một sàn giao dịch thương mại điện tử kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giúp tối ưu hoá chi phí cho cả hai bên”, ông Thắng bày tỏ và thông tin, sau buổi ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử D2C ngày hôm nay, Trung tâm Khuyến công 1 tiếp tục phối hợp với địa phương, đơn vị hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện thông tin và tham gia sàn một cách thuần thục để quảng bá, kinh doanh sản phẩm. Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp tham gia sàn vẫn được hỗ trợ miễn phí.
Chia sẻ những nét cơ bản của sàn thương mại điện tử D2C, tại hội nghị, ông Bùi Quang Hưng- Giám đốc Công ty FIMO, đại học quốc gia Hà Nội cho hay, sự khác biệt của sàn D2C là kết nối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, giúp giảm rất nhiều chi phí trung gian cho cả hai bên, thậm chí có thể lên tới 80% giá thành sản phẩm. Tham gia sàn D2C rất đơn giản, doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên sàn; nhập thông tin sản phẩm; các chứng nhận đạt được; thông tin chi tiết về nhà sản xuất.
“Trên sàn không có trung gian nên cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phải có nhân viên chuyên bán hàng, tự cập nhật thông tin của sản phẩm. Sau khi có người mua, doanh nghiệp sản xuất sẽ trực tiếp liên hệ, giao hàng tới người tiêu dùng”, ông Hưng cho hay. Đồng thời nhấn mạnh, chúng tôi không thu bất kỳ một loại phí nào liên quan đến sản phẩm, do vậy chi phí vận hành gian hàng trên sàn của các bên tham gia rất rẻ.
Nhiều doanh nghiệp tham gia hội nghị mong muốn sàn giao dịch thương mại điện tử D2C hỗ trợ mở rộng tệp khách hàng. Ảnh: Văn Đốc |
Hiện tại, sàn D2C mới chỉ thể hiện ngôn ngữ tiếng Việt, trong tháng 5, sẽ hoàn thành phiên bản ngôn ngữ tiếng Anh. Kỳ vọng, sàn D2C này sẽ tham gia vào thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới, với khách hàng từ khắp nơi trên thế giới, khi đó sàn sẽ có thêm nhiều phiên bản ngôn ngữ khác nhau.
Tham gia hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất kỳ vọng sàn giao dịch thương mại điện tử D2C giúp thiết lập thêm kênh bán hàng, hỗ trợ mở rộng tệp khách hàng, nhằm tăng doanh thu.
“Doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn, sàn thương mại điện tử D2C hoàn thiện hơn nữa dữ liệu về doanh nghiệp, giúp người tiêu dùng biết và hiểu được quy trình sản xuất, các tiêu chuẩn tuân thủ nhằm tin tưởng sản phẩm”, đại diện Hợp tác xã nông sản dược liệu Mạnh Hương (tỉnh Lào Cai) cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp băn khoăn về độ lan toả của sàn D2C. Thực tế, các doanh nghiệp đã tham gia nhiều phiên chợ online và nhận thấy khó nhất là kết nối với khách hàng. Do vậy, nhiều doanh nghiệp băn khăn, sàn giao dịch thương mại điện tử D2C có phương thức nào để kết nối rộng rãi với người tiêu dùng nhằm tăng tương tác trên sàn?
Về câu hỏi này, ông Thắng khẳng định, giải pháp công nghệ sẽ rất quan trọng, Trung tâm Khuyến công 1 cùng các đối tác sẽ thực hiện quảng bá trên các nền tảng số, nền tảng xã hội. “Tuy nhiên, sự nỗ lực này là không đủ mà cần sự hợp sức của chính các doanh nghiệp, hợp tác xã trong công tác quảng bá và kết nối”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, để chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc vận hành gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử D2C, sắp tới, Trung tâm Khuyến công 1 sẽ phối hợp cùng các đơn vị giải pháp phần mềm tổ chức đào tạo nhân viên bán hàng, quản lý gian hàng trên sàn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Sàn giao dịch thương mại điện tử D2C hiện có sự tham gia của 480 nhà sản xuất đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước; 717 sản phẩm được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia các năm 2017, 2019, 2021 và năm 2023. |