Quảng Ninh hiện có 16 KCN, 5 KKT nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thuộc nhóm tỉnh, thành phố có nhiều KCN, KKT nhất nước. Để thu hút đầu tư, phát triển các KCN, KKT, Quảng Ninh đã và đang tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh, vượt trội nhờ môi trường đầu tư thông thoáng, TTHC đơn giản, gọn nhẹ.
Động lực tăng trưởng kinh tế
Năm 2022, Quảng Ninh xác định địa bàn KCN, KKT là một trong những động lực, bệ đỡ để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trên 2 con số. Cụ thể hóa mục tiêu phát triển của tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan đã tích cực vào cuộc, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) tại các KCN, KKT, vừa có chiến lược đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư mới đến tìm hiểu, nghiên cứu.
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina (KCN Đông Mai). Ảnh: Mạnh TrườngSản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên).
Trên địa bàn các KCN, KKT hiện có 216 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hiệu lực: 84 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 4,2 tỷ USD; 132 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư 49.889 tỷ đồng. Hầu hết các dự án ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản phẩm chính là thiết bị điện tử, dệt may. Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, được sự tạo điều kiện, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của tỉnh, các doanh nghiệp đã nhanh chóng củng cố, tái khởi động dây chuyền sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm thêm các đơn hàng ở nhiều quốc gia.
Sản xuất thân mũ xuất khẩu tại Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long (KCN Việt Hưng). Ảnh: Mạnh TrườngSản xuất thân mũ xuất khẩu tại Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long (KCN Việt Hưng, TP Hạ Long).
Từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp trong KCN đã đầu tư trên 1.100 tỷ đồng đầu tư mở rộng dây chuyền, nhà xưởng, tăng cường sản xuất, đảm bảo các đơn hàng đã ký kết. KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) có các dự án: Jinsung Hitec Vina, nhà máy ZKM Vina, Ideal, nhà máy Lioncore đầu tư xây dựng xong nhà xưởng, bắt đầu đi vào SXKD. KCN Cảng biển Hải Hà, dự án nhà máy dệt kim đã hoàn thành đầu tư, chuẩn bị đi vào sản xuất. Những dự án này đi vào hoạt động sẽ bổ sung năng lực tăng thêm cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh từ nay đến cuối năm.
Đến hết tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp tại địa bàn KCN, KKT trên địa bàn tỉnh đạt trên 1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn, như: Sợi bông đạt 155 triệu USD, quần áo các loại đạt trên 100 triệu USD… Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại KCN, KKT tỉnh tăng trưởng trên 16%, với các sản phẩm tăng cao so với cùng kỳ, như: Thân mũ gần 28 triệu cái, tăng trên 100%; vải dệt từ sợi tổng hợp trên 1,6 triệu m2, tăng trên 15%; màn hình ti vi trên 800.000 cái, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2021.
Dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai. Ảnh: Mạnh Trường Dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên).
Các KCN, KKT của tỉnh đã thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổng số vốn đầu tư 7 tháng năm 2022 đạt gần 40.000 tỷ đồng. Trong đó thực hiện cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án trong nước, tổng vốn trên 500 tỷ đồng; 13 dự án FDI, tổng vốn trên 200 triệu USD; phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 29 dự án, tổng vốn gần 34.000 tỷ đồng.
Định hướng chiến lược mới
Các KKT, KCN đóng vai trò quan trọng, từng bước khẳng định là mũi đột phá, hạt nhân động lực phát triển kinh tế – xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, các KCN, KKT của tỉnh hiện phát triển chưa đáp ứng kỳ vọng, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thu hút được các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, động lực, tạo sức lan tỏa; thiếu nhà đầu tư chiến lược đóng vai trò dẫn dắt và là “cục nam châm lớn” thu hút mạnh các nhà đầu tư vừa và nhỏ; các dự án FDI còn hạn chế; ngành nghề thu hút đầu tư mang lại giá trị gia tăng chưa cao; các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa nhiều; phát triển kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, công nghiệp chế biến còn chậm; tỷ lệ lấp đầy trong các KCN còn thấp; một số dự án sử dụng nguồn lao động phổ thông, năng suất không cao và thiếu một số điều kiện nền tảng để tạo sức cạnh tranh nhân lực vượt trội, đặc biệt là điều kiện sinh sống không ổn định cho lao động nhập cư, như hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa.
Hạ tầng kỹ thuật KCN Bắc Tiền Phong đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Mạnh TrườngHạ tầng kỹ thuật KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên) đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Khắc phục những hạn chế, bất cập, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện Đề án phát triển bền vững các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến 2040 với sự tham gia tư vấn của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam). Đây là một trong 15 Đề án, chương trình mà Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề cập, làm nền tảng thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp.
Đề án đang được Ban Quản lý KKT tỉnh và các sở, ngành liên quan tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, bổ sung, hoàn thiện. Đề án sẽ đề ra được các giải pháp mang tính chiến lược liên quan tới tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong xây dựng và phát triển các KKT, KCN, CCN; hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển các KKT, KCN, CCN; huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội; phát triển, quản lý nguồn nhân lực; xây dựng và thực thi một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; tăng cường quản lý và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch các KKT, KCN, CCN; tăng cường liên kết vùng, khu vực, quốc tế và bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
PGS-TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết: Tôi đánh giá rất cao chủ trương của tỉnh Quảng Ninh, xây dựng Đề án phát triển các KCN, KKT, CCN gắn với mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Đề án được xây dựng công phu, khoa học, đi sâu phân tích thực trạng xây dựng và phát triển các KCN, KKT, CCN của tỉnh, so sánh và nghiên cứu kinh nghiệm của các địa phương trong nước và một số quốc gia. Đề án đã xác định được mục tiêu cốt lõi là đổi mới mô hình phát triển KCN, KKT theo chiều sâu, thu hút đầu tư có chất lượng và trọng điểm, tạo đột phá phát triển, đóng góp vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách, thu hút lao động chất lượng cao, có kỹ năng, gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Ký biên bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sản xuất hạt nhựa Polypropylene với tổng nguồn vốn đầu tư 1,5 tỷ USD tại KCN Bắc Tiền Phong. Ký kết biên bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đầu tư Dự án sản xuất hạt nhựa Polypropylene, KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên), tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.
Quan điểm chỉ đạo của tỉnh: Phát triển các KCN, KKT thành những thực thể có năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Chú trọng phát triển KCN sinh thái, KCN chuyên sâu, giảm bớt KCN tổng hợp; phát triển mô hình KKT-KCN-khu đô thị- dịch vụ-trung tâm logistics, tạo thành tổ hợp phát triển hiện đại, công nghệ cao, sạch, thông minh; gắn phát triển KKT, KCN với quá trình đô thị hóa, tăng quy mô và chất lượng dân số, nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và người lao động.
Đề án phát triển bền vững các KCN, KKT, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến 2040 sẽ sớm được các đơn vị liên quan hoàn thiện. Đề án được các nhà đầu tư chờ đợi, hứa hẹn tạo ra những đột phá, bước phát triển mới trong thu hút đầu tư vào KCN, KKT và CCN – Nơi được kỳ vọng tạo ra những nguồn lực dồi dào, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng vạn lao động mỗi năm.