Trang chủ / Tin tức / Doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo: Phục hồi mạnh mẽ

Doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo: Phục hồi mạnh mẽ

In bài viết Chia sẻ:

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn tỉnh đã phục hồi và phát triển.

Mới đây, tại buổi gặp gỡ các doanh nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh cho biết: Trong 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại. 9 tháng năm 2023 có 2.049 đơn vị (1.222 doanh nghiệp, 827 đơn vị phụ thuộc) thành lập mới, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022; số vốn đăng ký đạt 16.280 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Số doanh nghiệp ra nhập và quay lại thị trường là 2.752 doanh nghiệp, tăng 6,4% so với cùng kỳ.


Sản xuất dầu ăn tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân. Ảnh quangninh.gov.vn

Đáng chú ý chỉ có 398 doanh nghiệp giải thể, giảm 9,7% so cùng kỳ. Lũy kế trên địa bàn tỉnh hiện có 16.866 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký 341.363 tỷ đồng.

Trong số 16.866 doanh nghiệp, trong đó thành phần tư nhân chiếm 95,97%; doanh nghiệp nhà nước chiếm 2,6%; doanh nghiệp FDI chiếm 1,3%. Các doanh nghiệp có số vốn lớn hơn 1.000 tỷ đồng chiếm 0,19%, từ 10-1.000 tỷ là 14,41%; dưới 10 tỷ đồng chiếm 85,4. Thành phố Hạ Long là nơi có số doanh nghiệp đăng ký hoạt động nhiều nhất chiếm 46,97%, tiếp theo là thành phố Cẩm Phả 14,49%, và thành phố Móng Cái 10,64%, còn lại là các địa phương khác.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 65 hợp tác xã (HTX) thành lập mới, tăng 117% kế hoạch năm (kế hoạch thành lập mới 30 HTX) với vốn điều lệ đăng ký hoạt động trên 1.904 tỷ đồng; doanh thu bình quân một HTX là 850 triệu đồng/năm. Tổng số HTX đăng ký là 696, số đang hoạt động có kê khai thuế là 460 hợp tác xã. Có 21 hợp tác xã đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, 05 hợp tác xã đăng ký tạm ngừng, 03 hợp tác xã giải thể.

Với sự nỗ lực, đồng hành của các cấp chính quyền, qua 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã đóng góp 17.617 tỷ đồng, tăng 12,17% so với cùng kỳ (năm 2022 là 15.705), chiếm 61,86% tổng số thu nội địa trên địa bàn tỉnh. Trong đó doanh nghiệp nhà nước là 13.199 tỷ đồng, tăng 20,4%; doanh nghiệp FDI là 1.128 tỷ đồng, giảm 12,4%; doanh nghiệp tư nhân là 3.290 tỷ, giảm 5,7% so với cùng kỳ.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh cũng cho biết, tiếp nối đà phục hồi năm 2022, điểm sáng của 9 tháng đầu năm 2023 vẫn là các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, tăng trưởng khu vực này là 15,71%, cao hơn 4,24 điểm % so với kịch bản tăng trưởng.

Khu vực dịch vụ tăng 11,96%, thấp hơn 2,97 điểm % so với cùng kỳ (CK 14,93%), thấp hơn 1,23 điểm % so với kịch bản, đóng góp 3,85 điểm % tăng trưởng GRDP. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7% cùng kỳ (cùng kỳ đón gần 9,2 triệu lượt), đạt 100%. Tổng doanh thu du lịch đạt 26.460 tỷ đồng, tăng 34,8% cùng kỳ (cùng kỳ đạt 19.635 tỷ đồng), đạt 100% (trong 200 doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất vào ngân sách những tháng đầu năm thì có tới 50,1% doanh nghiệp công nghiệp và chế biến chế tạo như các doanh nghiệp ngành than, điện, xăng dầu, sợi…).

Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, coi việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV vừa qua đã chính thức thông qua Nghị quyết về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Nghị quyết này đề ra 7 mục tiêu cụ thể và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế.

Trong đó, mục tiêu của nghị quyết đề ra: 100% các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phù hợp quy định của pháp luật và thuộc thẩm quyền của tỉnh (bao gồm cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) được giải quyết kịp thời; giảm thiểu tối đa, chi phí thời gian, chi phí tiêu hao và các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Tác Giả: Thụy Anh

Nguồn Tin: TTXTVPTCT