Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG) giai đoạn 2014 – 2020 đã đi được hơn nửa chặng đường. Tuy nhiên, những quy định “cứng” trong lĩnh vực này khiến không ít địa phương gặp khó trong triển khai và các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) khó thụ hưởng.
Nhiều băn khoăn
Cần Thơ có 9 đơn vị hành chính, gồm 4 huyện và 5 quận. Theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về Khuyến công (Nghị định 45), công tác khuyến công chỉ triển khai tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và hạn chế hỗ trợ ở khu vực đô thị. Do vậy, từ năm 2014 đến nay, công tác khuyến công của Cần Thơ chỉ được triển khai thực hiện tại khu vực 4 huyện với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Minh Toại – Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ – trình độ dân trí cũng như tiềm lực về vốn của các cơ sở sản xuất tại khu vực thành thị cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn, do đó, nếu được triển khai ở khu vực thành thị, “vốn mồi” của khuyến công rõ ràng sẽ phát huy tốt hơn hiệu quả. Chưa kể, tại các huyện, quy mô cũng như vốn của các cơ sở sản xuất nhỏ, rất khó mời gọi tham gia đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ sản xuất mới. Mức hỗ trợ cho các nội dung theo quy định không cao, trong khi thủ tục kéo dài vài tháng đến cả năm nên chưa thu hút được các cơ sở tham gia. Thậm chí, có những đề án đã được duyệt nhưng phải ngừng triển khai do không còn đúng cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
Ông Lê Trọng Hân – Phó giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa – băn khoăn: Tính kích thích của các đề án khuyến công không cao bởi so với nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng của doanh nghiệp, kinh phí khuyến công chỉ hỗ trợ 100 -200 triệu đồng là quá thấp. Hơn nữa, kế hoạch đầu tư đổi mới trang thiết bị, máy móc của doanh nghiệp thường được thực hiện rất nhanh trong khi để được hưởng kinh phí hỗ trợ của khuyến công phải đăng ký trước 1 năm và hỗ trợ trước đầu tư nên nảy sinh nhiều bất cập.
Tháo trở ngại chính sách
Chương trình KCQG đến năm 2020 đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển CNNT tại các địa phương. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, từ năm 2014 – 2018, chương trình KCQG đã thực hiện hỗ trợ các đề án với hơn 481 tỷ đồng. Nguồn vốn này được đưa trực tiếp vào các cơ sở sản xuất, giúp các đối tượng thụ hưởng nâng cao năng lực sản xuất, tay nghề lao động, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ – cho rằng, cần đặt công tác khuyến công trong tổng thể chứ không theo chuỗi cụ thể, gắn kết CNNT, khuyến công với phát triển nông nghiệp bền vững cũng như tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển du lịch làng nghề; mỗi xã, phường một sản phẩm… Các bộ, ngành cần liên kết chặt chẽ, xây dựng định hướng chính sách khuyến công theo hướng mở, thuận lợi cho cả đơn vị thực hiện chức năng quản lý và đối tượng thụ hưởng. Theo đó, cần đưa nguồn vốn khuyến công đúng thời điểm, thích hợp với năng lực tiếp cận. Đồng thời, quan tâm tư vấn định hướng sản phẩm, thị trường, công nghệ, ứng dụng để phát triển công nghiệp hiệu quả; có nguồn lực thỏa đáng như phát triển cụm công nghiệp, xử lý môi trường, đào tạo đổi mới công nghệ, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện, cách thức hỗ trợ đơn giản.
Đại diện Sở Công Thương Cần Thơ đề xuất: Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 45 theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng ra tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, không phân biệt ở quận, huyện. “Đặc biệt, quy định địa phương dành từ 0,5 – 1% ngân sách cho công tác khuyến công và phát triển công nghiệp địa phương, từ đó, Sở Công Thương mới có nguồn cho xây dựng kế hoạch hỗ trợ và tái đầu tư cho công nghiệp” – ông Nguyễn Minh Toại nói.