Tính tới thời điểm hiện tại, khuyến công quốc gia (KCQG) mới được giao khoảng 1/3 trong tổng dự toán kinh phí năm 2021, gây nhiều khó khăn cho các địa phương triển khai các chương trình, đề án từ nguồn kinh phí này.
Theo báo cáo từ Cục Công Thương địa phương (CTĐP) – Bộ Công Thương, trong nửa đầu năm 2021, Cục CTĐP đã triển khai nhiều hoạt động trong nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác khuyến công. Trong đó, hoàn thành xây dựng Chỉ thị số 04/CT-BCT về đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021-2025; giao kế hoạch kinh phí KCQG năm 2021 (đợt 1) cho các địa phương, đơn vị; thẩm định hồ sơ, tài liệu, thẩm định dự toán và dự thảo hợp đồng KCQG với các đơn vị được giao kế hoạch; hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2022; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đề án KCQG tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam trong năm 2021. Ngoài ra, cục cũng triển khai nhiều hoạt động về công tác quản lý cụm công nghiệp; theo dõi phát triển tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp…
Riêng Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (trung tâm 1), Cục CTĐP được Bộ giao 11 loại hình đề án khuyến công. Đến thời điểm hiện tại, trung tâm 1 đã phối hợp với đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, triển khai thực hiện theo quy định. Đồng thời, đang tiến hành khảo sát, thu thập thông tin phục vụ công tác xây dựng kế hoạch kinh phí KCQG năm 2022.
Theo đánh giá chung, công việc 6 tháng đầu năm 2021 của Cục CTĐP được triển khai kịp thời, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, các đơn vị chức năng thuộc cục đã phối hợp chặt chẽ với địa phương tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các công việc có liên quan, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo Cục CTĐP, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số nhiệm vụ, Cục chưa triển khai được theo tiến độ kế hoạch. Cùng đó, kinh phí khuyến công quốc gia năm 2021 mới được giao đợt 1 là 55,461 tỷ đồng, do đó ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai thực hiện đề án khuyến công quốc gia trong năm.
Có thể thấy, với những hoạt động đã triển khai trong nửa đầu năm, khối lượng công việc còn phải hoàn thành trong nửa cuối năm 2021 của Cục CTĐP là rất lớn. Cục CTĐP chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương để thu thập thông tin, tổng hợp báo cáo; rà soát kế hoạch, tiến độ công việc cụ thể, kịp thời giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, không để công việc tồn đọng, chậm tiến độ. Căn cứ trên diễn biến của dịch bệnh, cục xây dựng và điều chỉnh kế hoạch tổ chức chuỗi sự kiện Hội nghị ngành Công Thương, Hội nghị công tác Khuyến công, Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam năm 2021.
Cục cũng đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt bổ sung dự toán kinh phí đợt tiếp theo năm 2021 (tổng dự toán đã trình Chính phủ là 150 tỷ đồng) để đảm bảo thời gian thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công hiệu quả trong năm tài chính. Đặc biệt là kịp thời hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 để ổn định, phát triển.
Cục CTĐP đang tiến hàng tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021. Tùy theo diễn biến của dịch bệnh, cục sẽ lựa chọn hình thức và thời gian phù hợp để tổ chức lễ tôn vinh sản phẩm.