Trang chủ / Tin tức / Để hoạt động khuyến công Quảng Ninh phát triển có hiệu quả

Để hoạt động khuyến công Quảng Ninh phát triển có hiệu quả

In bài viết Chia sẻ:

Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định chi hỗ trợ 1 tỷ đồng cho quỹ khuyến công thực hiện 13 đề án. Đó là: 08 đề án đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; 02 đề án đào tạo nghề điện, hàn điện và 03 đề án do Trung tâm Khuyến công và tư vấn PTCN thực hiện gồm: Tuyên truyền công tác khuyến công; Tham gia hội chợ – triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu và Quản lý đề án.

Để nguồn kinh phí khuyến công năm 2014 được sử dụng có hiệu quả, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã cùng Phòng Quản lý công nghiệp – Sở Công Thương, Phòng Kinh tế (Kinh tế và Hạ tầng) các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh rà soát, xây dựng kế hoạch và phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện có hiệu quả các đề án dạy nghề cho lao động nông thôn; Đầu tư ứng dụng máy móc tiên tiến; tuyên truyền công tác khuyến công trên Bản tin Công Thương Quảng ninh và Website khuyến công Quảng Ninh.

Đoàn công tác kiểm tra nghiệm thu đề án khuyến công năm 2014 tại huyện Tiên Yên

Cụ thể, trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN cùng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tiên yên, Hải Hà đã phối hợp với Trung tâm Hướng nghiệp và GDTX huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người lao động nông thôn ngay tại Huyện. Hình thức đào tạo này vừa phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, vừa bảo đảm sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đúng đối tượng, đã tổ chức được 02 lớp đào tạo các nghề: Điện; Hàn điện cho 70 lao động nông thôn với tổng kinh phí 354 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 125 triệu đồng. Sau khi tham gia lớp học nghề, hầu hết lao động nông thôn đã nắm vững nghề và có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp. Đặc biệt, năm nay, các cơ sở sản xuất: hộ kinh doanh cá thể, HTX có tiềm năng phát triển cũng được xét đề nghị hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị đều đạt trên 50 triệu/01 đề án. Theo đó, 08 chủ đầu tư tham gia được hỗ trợ 615 triệu đồng, bao gồm: sản xuất nước uống tinh khiết, chế biến chè, sản xuất đồ mộc, cơ khí, gạch xi măng. Cao nhất là Hộ kinh doanh Trịnh Vân Thiên Sơn được hỗ trợ kinh phí 90 triệu đồng cho dây chuyền sản xuất nước uống tinh khiết tại huyện Bình Liêu. 9 tháng đầu năm Trung tâm đã giải ngân đạt 75% (750tr/1 tỷ đồng) kinh phí khuyến công tỉnh giao.

Từ nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có điều kiện đầu tư hoàn thiện hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất và ứng dụng máy móc tiên tiến sản xuất các sản phẩm bảo đảm chất lượng, được thị trường chấp nhận và tiêu thụ tốt, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động được nâng lên.

Cần phải khẳng định rằng những hoạt động khuyến công năm 2014 là cần thiết để hỗ trợ các cơ sở CNNT chuyển đổi phương thức, cơ giới hóa các công đoạn sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm. Những năm tiếp theo cần phải có những thay đổi về hình thức, phương pháp có chiều sâu và thiết thực hơn. Cụ thể số vốn khuyến công hỗ trợ được tăng dần, số cơ sở CNNT được hỗ trợ tại vùng núi, hải đảo tăng lên nhằm đổi mới thiết bị gắn với việc hỗ trợ áp dụng các kỹ thuật sản xuất sạch hơn; tăng cường công tác hỗ trợ đào tạo các kỹ năng quản trị, điều hành cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT nhằm giúp các chủ cơ sở thay đổi tư tưởng kinh doanh truyền thống, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng các yêu cầu về pháp luật và nâng cao uy tín trên thị trường; phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ thuật sản xuất thông qua các tờ rơi, áp phích đến tận cơ sở; xây dựng và thực hiện những đề án điểm. Để phát huy tối đa hiệu quả đề án khuyến công, Tỉnh cần kịp thời bổ sung một số quy định, mạnh dạn áp dụng một số nội dung và hình thức hỗ trợ khuyến công mới phù hợp với điều kiện doanh nghiệp.

Tác Giả: Phạm Thị Thu Hiền

Nguồn Tin: TTXTVPTCT