Trang chủ / Tin tức / Để chính sách về khuyến công tiếp tục đi vào cuộc sống

Để chính sách về khuyến công tiếp tục đi vào cuộc sống

In bài viết Chia sẻ:

Theo phản hồi của nhiều địa phương, đến nay các thông tư hướng dẫn thực hiện của Nghị định 45/2012/NĐ-CP về KC đã cơ bản đầy đủ. Đây sẽ là điều kiện để các địa phương đưa Nghị định 45/2012/NĐ-CP đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ tích cực vào sự phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Những năm qua, hoạt động khuyến công (KC) theo Nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 9/6/2004 đã mang lại kết quả tích cực trong sự phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Để tiếp tục khuyến khích phát triển CNNT, nâng cao chất lượng của hoạt động KC, ngày 21/5/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP trên cơ sở kế thừa những nội dung tích cực, khắc phục những bất cập, tồn tại của Nghị định số 134/2004/NĐ-CP.

Nhiều chính sách mới được mở rộng

Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công (NĐ 45) ra đời đã được các địa phương đón nhận bởi có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn như: Mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách KC (bao gồm cả các cơ sở công nghiệp đầu tư sản xuất tại phường thuộc thành phố loại 2, 3 và các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã chưa quá 5 năm). Đối với các doanh nghiệp (DN) áp dụng sản xuất sạch hơn không phân biệt quy mô, loại hình DN và địa bàn đầu tư sản xuất. Nghị định bổ sung thêm mục tiêu của hoạt động KC là khuyến khích, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Nghị định cũng bổ sung quy định về hợp tác quốc tế và hoạt động tư vấn KC; bổ sung nội dung đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các Trung tâm KC cấp vùng và cấp tỉnh. Ngoài ra, Nghị định còn quy định ưu tiên hỗ trợ theo địa bàn và theo ngành nghề. Các chương trình, đề án được triển khai trên địa bàn ưu tiên và ngành nghề ưu tiên được quan tâm hơn khi xét giao kế hoạch và mức kinh phí so với quy định chung. Quy định tổ chức hệ thống KC từ Trung ương đến cấp huyện và mạng lưới cộng tác viên đến cấp xã. Chế độ đối với cộng tác viên KC cũng được quy định, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai. Tuy nhiên, việc triển khai NĐ 45 ở một số địa phương vẫn còn nhiều lúng túng; vẫn còn ý kiến, kiến nghị xung quanh việc thực hiện Nghị định này.

Hàng loạt thông tư hướng dẫn ra đời

Để việc triển khai NĐ 45 được thuận lợi, Bộ Công Thương đã ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP. Cụ thể, ngày 28/12/2012, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 46/2012/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP (Thông tư 46). Thông tư 46 áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại huyện, thị xã, thị trấn, xã và các phường thuộc thành phố loại 2, loại 3, các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã chưa quá 5 năm; Các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện áp dụng sản xuất sạch hơn không giới hạn về quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân hàng năm và địa bàn đầu tư sản xuất; Hỗ trợ cơ sở CNNT mở rộng thị trường tiêu thụ; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; Hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp xây dựng mô hình thí điểm; Hỗ trợ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường; Hỗ trợ tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, thủ công mỹ nghệ, hỗ trợ đầu tư các phòng trưng bày; Hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp.

Nhằm khuyến khích việc bảo vệ môi trường, Thông tư 46 quy định: không hỗ trợ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công cải tiến, lò vòng gây ô nhiễm môi trường; tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ mới (vật liệu không nung), không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng vật liệu tái tạo.

Thông tư cũng quy định áp dụng nguyên tắc xét ngành nghề ưu tiên đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm đã có hợp đồng xuất khẩu hoặc sản xuất sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu; hoặc cơ sở sử dụng nguyên liệu, vật liệu chính của quá trình sản xuất được cung cấp từ địa bàn cấp tỉnh nơi sản xuất, chiếm trên 50% tổng giá trị nguyện liệu, vật liệu; hoặc cơ sở có sử dụng từ 50 lao động trở lên… Riêng đối với hoạt động sản xuất sạch hơn, thứ tự ưu tiên xét trên hiệu quả và sự cấp thiết của đề án do cơ quan quản lý chương trình xem xét, quyết định chứ không quy định thứ tự ưu tiên về địa bàn và ngành nghề. Ngoài ra, Thông tư 46 cũng hướng dẫn xây dựng chương trình, kế hoạch KC; quy định chế độ báo cáo và kiểm tra, giám sát các đề án, chương trình KC; cơ quan Quản lý nhà nước về hoạt động KC. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/02/2013 và thay thế Thông tư số 03/2005/TT-BCN ngày 23/6/2005 và Quyết định số 07/2008/QĐ-BCT ngày 07/5/2008.

Ngày 27/12/2013, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 36/2013/TT-BCT quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí KC quốc gia. Theo đó, khi xét giao kế hoạch KC quốc gia hàng năm, sẽ ưu tiên các đề án KC quốc gia điểm, xét ưu tiên về ngành nghề, địa bàn theo quy định tại Thông tư số 46/2012/TT-BCT.

Thông tư cũng quy định, trong trường hợp các đề án KC quốc gia triển khai trên địa bàn có điều kiện như nhau, ngành nghề như nhau thì sẽ ưu tiên xét giao các đề án KC quốc gia cho đơn vị có kinh nghiệm, năng lực tổ chức thực hiện tốt hơn. Việc lập đề án KC quốc gia phải đảm bảo sự phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Đảng, Nhà nước; chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên phạm vi quốc gia, vùng, từng địa phương.

Kế hoạch KC quốc gia được lập trên cơ sở báo cáo đăng ký của các địa phương, đơn vị. Báo cáo đăng ký các đề án KC quốc gia gửi Cục Công nghiệp địa phương bao gồm: kết quả thực hiện công tác KC năm trước; đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KC của năm hiện tại; mục tiêu và định hướng công tác KC của năm sau; biểu tổng hợp các đề án KC quốc gia kèm theo hồ sơ các đề án KC quốc gia. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/2/2014.

Để hướng dẫn sử dụng kinh phí hoạt động KC, ngày 18/02/2014, Liên bộ Tài chính, Công Thương đã ban hành Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí KC quốc gia và kinh phí KC địa phương. Trong đó quy định: ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí cho các hoạt động KC quốc gia do Bộ Công Thương quản lý, tổ chức thực hiện; ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho các hoạt động KC địa phương do UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã quản lý, tổ chức thực hiện.

Điểm nổi bật tại Thông tư này là quy định về mức chi cho các hoạt động KC quốc gia. Cụ thể, hỗ trợ thành lập DN sản xuất CNNT tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn không quá 10 triệu đồng/DN; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới với mức tối đa 30% nhưng không quá 500 triệu đồng/mô hình; hỗ trợ các cơ sở CNNT đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức, cá nhân học tập tối đa 100 triệu đồng/mô hình; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp với mức tối đa 50% chi phí nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ 100% vé máy bay cho các cơ sở CNNT đi tham gia khảo sát, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài…Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 08/4/2014 và thay thế Thông tư số 125/2009/TTLT-BTC-BCT ngày 17/6/2009.

Tác Giả: Anh Quân

Nguồn Tin: ven.vn