6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng (GRDP) trên địa bàn ước tăng 9,02%, đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 8 cả nước (GDP cả nước 6 tháng tăng 6,42%); thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,55 tỷ USD, đạt xấp xỉ 52% kế hoạch năm, tăng 118% so với cùng kỳ 2023, đứng thứ 3 cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả nổi bật vẫn còn một số hạn chế cần được tháo gỡ khắc phục, trong đó cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 983 doanh nghiệp thành lập mới (lớn nhất từ trước tới nay), đạt 49,15% kế hoạch giao, tăng 12,09% cùng kỳ 2023, gấp 2 lần so với trung bình cả nước (6,07%), xếp thứ 4 vùng Đồng bằng Sông Hồng, có 455 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 5,1%. Tuy nhiên, có đến 116 doanh nghiệp giải thể, tăng 21,3%; 1.150 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động của Quảng Ninh thấp hơn bình quân chung cả nước và bình quân vùng Đồng bằng sông Hồng, nhưng trên thực tế số lượng doanh nghiệp thành lập mới ít hơn số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm có nguy cơ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển thêm 2.000 doanh nghiệp trong năm 2024, cũng như thực hiện mục tiêu thành lập mới 10.000 doanh nghiệp trong cả giai đoạn 2021-2025.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, giá cả năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cùng với đó là những khó khăn nội tại của doanh nghiệp tiếp cận thị trường, vốn, nguồn nhân lực; việc hỗ trợ doanh nghiệp giữa các địa phương trong tỉnh chưa có sự đồng đều.
Ông Đỗ Phúc Quyết, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư BĐS Happy Land Group, cho biết: Trong nửa đầu năm 2024, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh duy trì ổn định, riêng đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ du lịch có sự phát triển sôi động cho thấy sự hồi sinh du lịch Quảng Ninh như khi trước đại dịch Covid-19. Đối với doanh nghiệp chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và tài chính cũng có rất nhiều hoạt động phát sinh doanh thu mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, quá trình hoạt động đầu tư, tôi nhận thấy việc giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công các thành phố, trung tâm lớn thì rất tốt, rất nhanh, cán bộ có chuyên môn giỏi, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhiệt tình. Nhưng cùng một thủ tục đó thực hiện tại một số trung tâm hành chính công ở huyện, thị xã khác thì vẫn còn mất thời gian cho doanh nghiệp. Tỉnh cần có giải pháp để đồng bộ chất lượng trong giải quyết thủ tục hành chính giữa các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Toàn tỉnh có 11.590 doanh nghiệp đang hoạt động, để thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp cả về chất và lượng trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh xác định việc đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn sẽ là yếu tố quan trọng nhất.
Hiện Sở Kế hoạch & Đầu tư đang xây dựng dự thảo, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 và Kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đến năm 2025. Khi Kế hoạch ban hành và triển khai thực hiện sẽ góp phần phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, kinh tế tập thể và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh vào năm 2030.
Để phát triển về số lượng doanh nghiệp, Sở Kế hoạch & Đầu tư và Cục Thuế tỉnh cũng đang triển khai các biện pháp mạnh về thuế, đặc biệt rà soát đối với 2.036 hộ kinh doanh đã thực hiện theo hình thức kê khai để thúc đẩy hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp.
Để khuyến khích việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, tỉnh cũng đã khai trương Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số có chức năng cung cấp không gian, tiện ích, phương tiện phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Trung tâm góp phần tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương theo chiều sâu trên cơ sở tăng cường đóng góp của khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy liên kết ba nhà theo định hướng phát triển của tỉnh.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Quảng Ninh luôn nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong công tác đồng hành, hỗ trợ. Điều này, được thể hiện rõ nét qua vị trí dẫn đầu liên tiếp nhiều năm của tỉnh trong các bảng xếp hạng cải cách như PCI, PAR Index, SIPAS… Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh thêm vững tin và luôn đồng hành cùng tỉnh trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.