Đạt giải Ba Giải thưởng Sáng tạo khoa học – công nghệ Việt Nam năm 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, thiết bị xử lý rác sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho sản xuất nông nghiệp do Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM – Bộ Công Thương) nghiên cứu, chế tạo đã góp phần mang lại môi trường xanh, sạch cho các khu vực đô thị và dân cư khu vực nông thôn.
Hiện nay, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu vực đô thị và nông thôn đang khiến các nhà quản lý gặp không ít khó khăn. Để phần nào giải quyết khó khăn trên, PGS. TS. Nguyễn Đình Tùng – Viện trưởng RIAM – và các cộng sự đã thực hiện công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị cho Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp xanh. Kết quả, đã đưa ra thị trường dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, bước đầu được đưa vào ứng dụng tại Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Lào Cai, dưới sự giám sát của Tổ chức quốc tế AFD (Cộng hòa Pháp).
Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Tùng, hệ thống dây chuyền thiết bị có rất nhiều ưu điểm nổi trội, có nhiều tính mới, tính khoa học so với mẫu máy trong nước cũng như trên thế giới. Nhiều máy móc, thiết bị chính trong hệ thống dây chuyền đồng bộ này đã được tích hợp nhiều ưu điểm từ nhiều máy của nhiều nước phát triển trên thế giới có công nghệ hiện đại. Hệ thống dây chuyền thiết bị trong giải pháp này được nghiên cứu và chế tạo trong nước tại Viện RIAM 100% (nội địa hóa 100%), không cần nhập khẩu, góp phần nâng cao khả năng chế tạo trong nước. Giá thành đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị tiết kiệm khoảng 55 tỷ đồng so với hệ thống dây chuyền thiết bị nhập khẩu từ các nước châu Âu (Đức, Pháp) và khoảng 27 tỷ đồng so với hệ thống dây chuyền thiết bị nhập khẩu từ các nước châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản).
Quá trình ứng dụng vào sản xuất ở Công ty Cổ phần Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai cho thấy, chất lượng của dây chuyền thiết bị đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra, dây chuyền hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm sau xử lý đạt kết quả tốt. Chất lượng của dây chuyền hoạt động tốt qua nhiều năm và được thị trường chấp nhận. Công trình góp phần tác động, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác trong nước cùng phát triển như ngành môi trường, phân bón, cơ khí chế tạo máy, ngành vật liệu… Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng trong xử lý, chế biến dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao cho cây trồng; giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sử dụng rác thải sinh hoạt thành các nguyên liệu hữu ích; góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững ở Việt Nam. Công trình giúp đạt được hiệu quả về tiết kiệm nhân lực, năng lượng so với các dây chuyền tương đương trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.
Công trình là một trong 2 công trình giải pháp tiêu biểu được Bộ Công Thương chọn gửi cho Ban Chỉ đạo Sách vàng Sáng tạo Việt Nam do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tuyển chọn. Đây cũng là 1 trong 76 công trình hiện diện tại Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021.