Trang chủ / Tin tức / Hoạt động khuyến công / Công Thương khối địa phương: Chung sức đẩy nhanh tăng trưởng ngành

Công Thương khối địa phương: Chung sức đẩy nhanh tăng trưởng ngành

In bài viết Chia sẻ:

Năm 2024, khối Công Thương địa phương tiếp tục chung sức thực hiện các giải pháp nhằm tận dụng cơ hội, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng chung của ngành.

Kết quả đáng ghi nhận

Theo đánh giá từ Cục Công Thương địa phương, ngành Công Thương năm vừa qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng khoảng 2,3%, dù thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm trước nhưng dần được cải thiện và phục hồi tích cực. Chỉ số IIP tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước (tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương).

Các địa phương giữ được tăng trưởng, gồm: Trà Vinh, Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định, Khánh Hòa, Kiên Giang, Hà Nam, Hải Phòng, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hậu Giang, Phú Yên, Thái Bình… Các địa phương giảm, gồm: Quảng Nam, Sơn La, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Ninh, Vĩnh Long, Hòa Bình, Sóc Trăng, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Gia Lai, Vĩnh Phúc…

Thương mại nội địa: Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,8%, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%).

Các địa phương tăng cao tiêu biểu là: Hưng Yên, Ninh Bình, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bình Thuận, Sóc Trăng, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Trà Vinh, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Vĩnh Phúc… Doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương có tỷ trọng lớn giữ được tăng trưởng là: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh….

Tỉnh Hà Giang xếp thứ 3 trong số các địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2022
Công Thương khối địa phương: Chung sức đẩy nhanh tăng trưởng ngành

Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân. “Thị trường trong nước tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của nước ta”, báo cáo của Cục Công Thương địa phương nêu rõ.

Về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 354,5 tỷ USD, dù không đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (tăng 6%) nhưng cơ bản vẫn chưa phục hồi so với cùng kỳ năm trước.

Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái… là địa phương có giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn.

Một số địa phương giữ ngôi đầu về tốc độ tăng trưởng giá trị kim ngạch xuất khẩu, gồm: Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Hà Giang, Sơn La, Hà Nam, Cao Bằng, Ninh Thuận, An Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Tiền Giang, Quảng Trị…

Ở chiều ngược lại, các địa phương giảm sút là: Hậu Giang, Thừa Thiên – Huế, Lai Châu, Cà Mau, Điện Biên…

Theo đánh giá từ Cục Công Thương địa phương, kết quả đạt được của ngành Công Thương năm vừa qua thể hiện sự nỗ lực tự thân vận động, sự linh hoạt sáng tạo của các địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương về các giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, đánh giá sâu về từng lĩnh vực, Cục Công Thương địa phương cho rằng các địa phương có thể làm tốt hơn nữa.

Tiêu biểu về công nghiệp, sản xuất công nghiệp có tăng nhưng một số địa phương tốc độ tăng trưởng thấp so với tiềm năng phát triển. Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng, bị sụt giảm đơn hàng. Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp, thành lập mới và việc thu hút đầu tư mới còn khó khăn, một số dự án đầu tư vào cụm công nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp chưa đạt.

Ngân sách trung ương phân bổ cho chương trình khuyến công quốc gia chậm nên công tác triển khai thực hiện các đề án khuyến công đã bị ảnh hưởng, phần nào làm ảnh hưởng tới tính kịp thời của các chính sách nhà nước hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh hậu Covid -19. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của một số địa phương theo hướng sáp nhập đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ khuyến công thuộc Sở Công Thương vào đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh gây xáo trộn trong tâm lý cán bộ, viên chức và mất đi tính thống nhất trong tổ chức hệ thống khuyến công.

Công tác khảo sát, xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án khuyến công của một số địa phương còn hạn chế, việc đăng ký kế hoạch còn chậm so với quy định; nhiều cơ sở không đảm bảo được tiến độ đầu tư phải điều chỉnh kế hoạch hoặc ngừng thực hiện sau khi được phê duyệt hỗ trợ.

Giải pháp trọng tâm

Sang năm 2024, nhận định bối cảnh kinh tế có khởi sắc hơn, tuy nhiên cũng phát sinh những thách thức mới, để cùng cả ngành Công Thương đạt mục tiêu đặt ra, các địa phương quán triệt thực hiện 6 giải pháp lớn.

Một là, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trong tình hình mới.

Hai là, tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam.

Ba là, thực hiện có chất lượng, hiệu quả chương trình khuyến công quốc gia, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên cả nước.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) theo hướng tăng cường hiệu quả, quản lý chặt chẽ, khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành về quản lý CCN.

Phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thành xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 68/2017/NĐ-CP và Nghị định 66/2020/NĐ-CP; xây dựng Thông tư của Bộ Công Thương quy định, hướng dẫn một số nội dung của Nghị định về quản lý, phát triển CCN. Tổ chức thực hiện quản lý CCN theo thẩm quyền; hướng dẫn, trả lời các kiến nghị của các địa phương liên quan đến quản lý CCN. Tổ chức một số đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý, phát triển CCN tại một số tỉnh, thành phố và thực hiện các nhiệm vụ Hoạt động phát triển CCN.

Năm là, tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững; tiếp tục công tác tuyên truyền về các chương trình.

Sáu là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.

Để những giải pháp trên được triển khai có hiệu quả, đại diện cho khối địa phương Cục Công Thương địa phương đề nghị: Về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy tại địa phương, Lãnh đạo Bộ Công Thương có ý kiến đối với Lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố, Bộ Nội vụ hướng dẫn, chỉ đạo triển khai việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn theo hướng giữ nguyên đơn vị sự nghiệp thực hiện hoạt động khuyến công trực thuộc Sở Công Thương để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà pháp luật đã quy định, vì đây là hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành.

Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý, phát triển CCN.

 

Hải Linh

Tác Giả: Lê Sỹ Trình

Nguồn Tin: báo công thương