Đảm bảo an toàn sản xuất trong dịch
Hiện tại, tỉnh Quảng Ninh có 56 doanh nghiệp đang hoạt động trong 5 khu công nghiệp (KCN) với tổng số khoảng 30.500 lao động. Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tại mỗi KCN, đều thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; có kế hoạch, phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh phát sinh. Các doanh nghiệp trong KCN yêu cầu bắt buộc toàn bộ cán bộ, công nhân lao động cài đặt ứng dụng PC-Covid, khai báo y tế qua mã QR Code. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp 5K, bố trí tấm chắn ngăn giọt bắn tại khu vực nhà ăn tập thể, xe đưa đón công nhân, yêu cầu công nhân không di chuyển ra tỉnh ngoài…
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh |
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các ngành liên quan hoàn thiện mô hình công nhân lao động an toàn, nhà trọ an toàn, phân xưởng nhà máy an toàn, cụm công nghiệp, KCN an toàn… Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine; hỗ trợ chăm lo đời sống công nhân, người lao động; ổn định và phát triển sản xuất.
Các doanh nghiệp đã thực hiện xét nghiệm định kỳ 2 tuần/lần cho tối thiểu 10% người lao động có nguy cơ cao, thực hiện xét nghiệm test nhanh đối với toàn bộ người lao động mới tuyển dụng từ tỉnh ngoài, đi công tác, việc riêng trước khi làm việc, kiểm soát người lao động trở về từ các vùng dịch. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng rà soát lại toàn bộ các khu tập thể, nhà trọ công nhân để nắm chắc người trở về từ các vùng có dịch; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, không để lây lan vào KCN, nhà máy, xí nghiệp, cộng đồng dân cư. Ông Phùng Kỳ Luân – Tổng giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Điện tử Tonly Việt Nam – cho biết: Trong thời gian dịch bệnh, công ty đã tuân thủ nghiêm túc chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch của chính phủ đề ra, thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế và bám sát chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Để giữ vững trụ cột sản xuất công nghiệp, tỉnh Quảng Ninh tập trung đảm bảo lưu thông vận chuyển, cung ứng nguyên vật liệu từ các địa phương khác và hàng hóa xuất khẩu đối với các doanh nghiệp trong KCN. Đồng thời, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường tiêu thụ, giải quyết sản lượng tồn kho… để động viên ngành than tăng tối đa sản lượng khai thác, góp phần vào tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh.
Khởi động các dự án công nghiệp lớn
Ngay trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Nam, nhờ giữ vững địa bàn an toàn, tỉnh Quảng Ninh đã khởi công hàng loạt dự án lớn với nguồn vốn “khủng”. Điển hình như Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (tháng 3/2021) và Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam (tháng 10/2021), đều của Công ty Jinko Solar Hong Kong Limited.
Tiếp đó, khởi động Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh – dự án nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc có công suất dự kiến 1.500MW, do Liên danh PV Power – Colavi – Tokyo Gas – Marubeni đầu tư. Dự án được triển khai góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh từ “nâu” sang “xanh”…
Hiện, nhiều tập đoàn, công ty lớn cũng đang nghiên cứu triển khai đầu tư dự án công nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh như: Tập đoàn BYD (Trung Quốc) với dự án về lĩnh vực chế biến, chế tạo; Công ty Jinsung Hitec Co., Ltd (Hàn Quốc) thực hiện dự án Jinsung Hitec Vina., Ltd tại KCN Đông Mai; Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Tín Nghĩa (Hồng Kông) nghiên cứu đầu tư Dự án Sản xuất kính tiết kiệm năng lượng tại KCN Texhong Hải Hà…
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư với các nước thông qua các hội nghị, tọa đàm như với các nhà đầu tư Đài Loan trong tháng 11/2021; Hội nghị Xúc tiến đầu tư Nhật Bản chuyên ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics năm 2021, dự kiến tổ chức trong tháng 12/2021…
Ông HUANG JINXING – Tổng giám đốcCông ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam):
Một trong những nguyên nhân quan trọng để công ty quyết định đầu tư tại Quảng Ninh là do tỉnh đã giữ được địa bàn an toàn trước đại dịch Covid-19. |