Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CNCBCT) được Quảng Ninh chú trọng, tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư, bước đầu đạt những kết quả ấn tượng.
Ngày 16/11/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững CNCBCT giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 ngành CNCBCT chiếm tỷ trọng trên 15% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 17%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng; tạo ra ít nhất 30.000 chỗ làm việc mới. Định hướng đến năm 2030, tỷ trọng của ngành CNCBCT chiếm 20% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 20%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư trên 100.000 tỷ đồng; tạo ra trên 50.000 chỗ làm việc mới.
Nghị quyết đề ra các giải pháp cụ thể: Phát triển nhanh và bền vững các KKT, KCN tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển CNCBCT; huy động mọi nguồn lực tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể đáp ứng yêu cầu phát triển ngành CNCBCT nhanh và bền vững…
Từng bước hiện thực hóa các mục tiêu, bằng nhiều nguồn lực, Quảng Ninh chú trọng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, đảm bảo thông thương hàng hóa, trong đó hạ tầng giao thông luôn được xác định là then chốt của sự phát triển. Tỉnh đã triển khai hàng loạt dự án động lực nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, tăng cường sự liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, như: Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả… Cùng với đó, cơ sở hạ tầng trong các KCN, KKT được quan tâm đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại.
Để thu hút đầu tư, Quảng Ninh đẩy mạnh cải cách TTHC, đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án. Tỉnh thành lập Tổ công tác về xúc tiến đầu tư của tỉnh để chỉ đạo tiếp cận, xúc tiến, tháo gỡ vướng mắc của các dự án lớn, động lực của ngành CNCBCT do các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước nghiên cứu; chú trọng thu hút có chọn lọc dự án FDI có chất lượng vào các ngành CNCBCT; phát triển các KCN sinh thái, KCN chuyên sâu, giảm bớt KCN tổng hợp. Đồng thời thường xuyên tổ chức gặp mặt, tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.
Bình quân 2 năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành CNCBCT đạt gần 19%, tổng vốn đầu tư trên 32.976 tỷ đồng, tổng số lao động tăng lên khoảng 9.200 người. 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn thu hút đầu tư đạt 44.017 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gần 832 triệu USD, đạt 83% chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy, 63% kế hoạch của UBND tỉnh; 17 dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, gấp 2,5 lần so cùng kỳ năm trước, chủ yếu thuộc lĩnh vực CNCBCT. Trong đó có 2 dự án quy mô lớn, vốn đầu tư 100 triệu USD là: Dự án sản xuất các sản phẩm an toàn cho xe ô tô của Công ty TNHH Antoliv Việt Nam; Dự án sản xuất khóa, chốt và dập định hình Boltun của nhà đầu tư Đài Loan. 6 tháng đầu năm 2023, ngành CNCBCT tăng trưởng 12,57%, chiếm tỷ trọng 11,6% trong GRDP của tỉnh.
Các dự án thuộc lĩnh vực CNCBCT đã và đang được chủ đầu tư tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất. Điển hình như Công ty TNHH Thời trang dệt kim Việt Nam sản xuất vải dệt kim; Công ty TNHH điện tử Tonly Việt Nam có sản phẩm mới là vòng tay thông minh… Đặc biệt có 8/14 sản phẩm chế biến, chế tạo chủ yếu đạt và vượt so với kịch bản.
Với những định hướng phát triển dài hạn, ngành CNCBCT của tỉnh dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới, đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung của cả tỉnh.