Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, dự kiến tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp năm 2020 của tỉnh đạt 10,4%, là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đáng chú ý, một số ngành đã ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như: Khai khoáng; chế biến, chế tạo; phân phối điện.
Năm 2020 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp mũi nhọn chế biến, chế tạo, đạt mức tăng trưởng cao, gần 17%, chiếm 9,8% GRDP của tỉnh, tăng 0,4 điểm % so với năm 2019; chỉ số sản xuất của ngành cũng tăng 16,2% so với năm trước. Trong đó, chủ yếu do có sự khởi sắc của các ngành sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị âm thanh, sản xuất sợi, dệt kim, dầu thực vật. Nhiều sản phẩm mới của ngành chế biến, chế tạo từng bước được nâng cao chất lượng, tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm mới của ngành chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, tạo năng lực mới cho tăng trưởng của tỉnh chính thức được sản xuất tại Quảng Ninh. Trung tuần tháng 11 vừa qua, lô sản phẩm đầu tiên (màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao) của Tập đoàn Foxconn đã được xuất xưởng tại nhà máy thuộc KCN Đông Mai (TX Quảng Yên). Đây là những sản phẩm công nghệ cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sẽ được xuất khẩu sang các thị trường Slovakia, Mexico, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, nhà máy của Foxconn sẽ sản xuất khoảng 20.000 màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao, giá trị xuất khẩu khoảng 250.000 USD.
Ngành khai khoáng cũng đạt mức tăng trưởng ổn định, tăng 7,1%, chiếm 17,7% GRDP, đóng góp 39% tổng thu ngân sách nội địa (14.416 tỷ đồng). Đây là một trong những ngành then chốt cho sự bứt phá ngoạn mục của ngành công nghiệp của tỉnh trong năm 2020, đưa ngành công nghiệp trở thành trụ cột quan trọng đóng góp tăng trưởng kinh tế, bù đắp lại sự sụt giảm của khu vực dịch vụ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chỉ số sản xuất của ngành khai khoáng tăng 9,3%, trong đó than sạch ước đạt 47,8 triệu tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Theo TKV, dù bị ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh, nhưng vẫn duy trì ổn định sản xuất. Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn đã sản xuất được 35,9 triệu tấn than nguyên khai; doanh thu ước đạt 109.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu than gần 63.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động đạt 12,4 triệu đồng/tháng; lợi nhuận ước đạt trên 2.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước gần 17.200 tỷ đồng (tăng 15%), trong đó nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh gần 14.000 tỷ đồng.
Những kết quả trên có được là do nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp, có trợ lực rất tích cực, hiệu quả từ các cơ chế, chính sách của tỉnh. Tỉnh đã đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho công nghiệp than, điện, xi măng, dệt may, bột mì, dầu thực vật tăng tối đa công suất, năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ kịp thời để các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, sớm đưa một số dự án công nghiệp chế biến, chế tạo vào hoạt động, bổ sung năng lực sản xuất mới, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp tăng cao. Điển hình là một số dự án: S – Việt Nam của Tập đoàn Foxconn; nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện ô tô Yazaki; nhà máy mản xuất loa và tai nghe Tonly Technology Limited…
Cùng với đó, Quảng Ninh đã thực hiện tốt trọng trách quốc gia được Chính phủ giao phó là đón đội ngũ chuyên gia, nhân sự chất lượng cao của các doanh nghiệp nước ngoài qua sân bay quốc tế Vân Đồn để trở lại làm việc trong các nhà máy, công xưởng, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm phục hồi kinh tế. Những giải pháp kịp thời trên cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, đơn vị đã góp phần đưa ngành công nghiệp bứt phá mạnh mẽ trong năm 2020, đóng góp không nhỏ vào mục tiêu hoàn thành tăng trưởng GRDP 10% của tỉnh.
Năm 2021, dự báo tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Quảng Ninh là địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Vì vậy tỉnh xác định ngành công nghiệp tiếp tục là một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng của tỉnh. Theo đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo vào GRDP và thu ngân sách; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành Than.