Trang chủ / Tin tức / Chương trình khuyến công quốc gia: Luồng sinh khí mới

Chương trình khuyến công quốc gia: Luồng sinh khí mới

In bài viết Chia sẻ:

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG) trong giai đoạn 2014 – 2018 đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, tuy hạn hẹp về nguồn lực nhưng phát huy hiệu quả, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tạo cầu nối gắn kết

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận, sau 5 năm, hoạt động khuyến công đã huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời, thực hiện phân công lại lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới, khuyến khích hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Theo Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tính đến nay, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công giai đoạn 2014 – 2018 của cả nước đã được phê duyệt hơn 1.186,2 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí KCQG 481,4 tỷ đồng, chiếm 40,58% tổng kinh phí, đạt 39,72% so với kinh phí KCQG dự kiến theo kế hoạch. Kinh phí khuyến công địa phương 704,8 tỷ đồng, chiếm 59,42% tổng kinh phí.

Chương trình khuyến công chú trọng hỗ trợ các ngành có giá trị xuất khẩu lớn

Đi sâu hơn vào vấn đề, Bộ trưởng ghi nhận, cho dù hạn hẹp về nguồn lực được huy động từ ngân sách nhà nước cấp phát cho địa phương thực hiện Chương trình KCQG, song các mục tiêu của chương trình đều đạt được và vượt kế hoạch. Cụ thể, hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho hơn 18.000 lao động nông thôn, 98% số lao động đào tạo đã được bố trí việc làm; hỗ trợ cho 630 cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, một số nội dung hoạt động đã vượt chỉ tiêu so với kế hoạch tại Quyết định số 1288 về Chương trình KCQG của Thủ tướng Chính phủ như: Hỗ trợ gần 5.000 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước (tăng 29%) và hỗ trợ xây dựng 210 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới (tăng 5%). “Hoạt động khuyến công là cầu nối hiệu quả để tạo nên sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp nông thôn với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Hệ thống quản lý khuyến công tại địa phương thời gian qua cũng được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị… Thông qua hoạt động khuyến công cũng đã tạo sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn”- Bộ trưởng đánh giá.

Ưu tiên công nghệ, thúc đẩy sáng tạo

Mặc dù mới đi được hơn nửa chặng đường và có những kết quả rõ ràng, tuy nhiên Chương trình KCQG vẫn có một số hạn chế cần khắc phục. Như trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương còn lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ, vì vậy phát triển tiểu thủ công nghiệp tại địa phương cũng như năng lực của doanh nghiệp trong tiếp cận nội dung Chương trình KCQG chưa có được hiệu quả cao. “Chương trình KCQG nếu chỉ đi một mình để phát huy hiệu quả chắc chắn là không đủ. Bởi trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hàng loạt các vấn đề lớn đang đặt ra cho công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp đòi hỏi nội dung chính sách trong Chương trình KCQG phải được đồng bộ hóa với các khía cạnh khác của quản lý nhà nước. Đơn cử như về chất lượng nhân lực không thể chỉ bằng thông qua chương trình đào tạo cho người nông dân mà phải gắn với các chương trình khác trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ nền tảng nông nghiệp sang phát triển công nghiệp và công nghiệp chế biến”- Bộ trưởng nêu quan điểm.

Thừa nhận điểm nghẽn kinh phí, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, tính trung bình, kinh phí dành cho Chương trình KCQG gia 5 năm vừa qua rất hạn hẹp, chỉ khoảng 130 tỷ đồng/năm, được phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố. Tại các địa phương, việc triển khai nguồn lực hỗ trợ này cũng là vấn đề đáng nói, có những địa phương linh hoạt sáng tạo trong thực hiện đã thu hút thêm vốn từ các nguồn khác nhưng cũng có những địa phương vốn bị “teo lại”, chương trình không được coi trọng.

Nói về giải pháp trong thời gian tiếp theo, Bộ trưởng lưu ý, cần tiếp tục tập trung hỗ trợ một số nội dung hoạt động hiệu quả của chương trình như: Xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến trên cơ sở ứng dụng khoa học – công nghệ, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông thôn, có giá trị tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; tạo nhiều việc làm, gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp; các ngành nghề đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Đặc biệt, phải chú trọng các hoạt động sáng tạo, các chỉ số tác động về giá trị gia tăng, tiến bộ về công nghệ, xã hội, môi trường. Tạo mọi điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số thông qua chính sách khuyến công. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp” – Bộ trưởng chỉ đạo.

Chương trình KCQG giai đoạn 2021 – 2030 đã được Bộ Công Thương xây dựng với định hướng chú trọng phát triển công nghiệp nông thôn theo chiều sâu, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương.

Tác Giả: Nhật Thu

Nguồn Tin: TTXTVPTCT