Đánh giá 10 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Cho tới nay, vật liệu xây không nung (VLXKN) đã trở thành một phần quan trọng trong kết cấu vật liệu xây nói riêng và vật liệu xây dựng (VLXD) nói chung.
Với số lượng trên 1.600 cơ sở sản xuất VLXKN hiện có trên cả nước, tổng công suất thiết kế của các cơ sở sản xuất VLXKN năm 2019 là trên 10 tỷ viên QTC (chiếm khoảng 30% công suất thiết kế của vật liệu xây), kết quả này đã đạt xấp xỉ mục tiêu đề ra khi xây dựng Chương trình.
- Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2025: Đòn bẩy cho phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh
- Khuyến công Quảng Ninh tham gia hội chợ hàng công nghiệp nông thôn khu vực phía bắc năm 2015
- Khuyến công Quảng Ninh : Tổ chức hội nghị tổ chức mô hình trình diễn kĩ thuật sản xuất cửa thép vân gỗ cao cấp
- Giới thiệu Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh 2012
Các doanh nghiệp sản xuất VLXD, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đã tích cực hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, chủ động đầu tư sản xuất, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, nhằm sản xuất và cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm VLXKN đạt chất lượng, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm VLXKN.
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 567), ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng cho biết: Sau 10 năm thực hiện Chương trình 567, việc đầu tư, sản xuất và sử dụng VLXKN ở nước ta đã có sự chuyển biến tích cực; các công nghệ mới, thiết bị mới sản xuất VLXKN đã từng bước được đầu tư, phát triển; các sản phẩm VLXKN được đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng từng bước được hoàn thiện và nâng cao; công tác thanh kiểm tra từng bước đi vào nền nếp.
Ngoài ra, còn phải kể đến sự nỗ lực triển khai thực hiện của Chính phủ, các Bộ, các địa phương trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, khuyến khích việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao; triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong việc xử lý, sử dụng tro, xỉ thạch cao đã giúp cho các đơn vị phát thải, xử lý, sử dụng đẩy mạnh việc đưa tro, xỉ, thạch cao vào trong sản xuất xi măng, VLXKN, vật liệu nung, vật liệu san lấp.
“Theo thông tin số liệu của các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, các nhà máy nhiệt điện BOT, tính đến cuối năm 2020, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ trên cả nước khoảng 34,5 triệu tấn tương đương với 42% tổng lượng phát thải qua các năm”, ông Bắc dẫn chứng.
Lấy khoa học làm động lực chính để phát triển VLXKN
Đánh giá cao vai trò của hoạt động KH&CN trong Chương trình phát triển VLXKN của Chính phủ, ông Nguyễn Đình Hậu – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật (Bộ KH&CN) cho rằng khi các lợi thế về nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ không còn nữa thì phải lấy khoa học làm động lực chính, từ các đơn vị quản lý, doanh nghiệp đến các trường cần thống nhất về nhận thức.
Theo ông Nguyễn Đình Hậu, Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan chủ trì, quản lý chung, xem xét rà soát các vấn đề KH&CN cần giải quyết để tiến tới sử dụng triệt để nguồn tài nguyên VLXKN để thực hiện thành công Chương trình. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện các nội dung và hoạt động nghiên cứu để hoàn thành chương trình.
Về đầu tư nghiên cứu, cần rà soát để sử dụng các kết quả nghiên cứu trong giai đoạn tới, Bộ KH&CN sẽ đồng hành và phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua hoạt động nghiên cứu. Ngoài ra, các viện, trường lấy hoạt động của doanh nghiệp làm trung tâm, gắn hoạt động nghiên cứu của viện, của trường với hoạt động của các doanh nghiệp để đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững”, ông Nguyễn Đình Hậu nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp sản xuất, sử dụng VLXKN, các doanh nghiệp chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN, các doanh nghiệp xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao có bài tham luận tại hội nghị, trong đó, đề xuất các chính sách, biện pháp nhằm phát triển VLXKN. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đầu tư dây chuyền sản xuất tấm tường Acotec với công nghệ hiện đại của hãng Elematic, được nhập khẩu đồng bộ từ Phần Lan. Ông Nguyễn Cao Thắng, Tổng Giám đốc Công ty kiến nghị Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ bê tông đúc sẵn và các sản phẩm tiền chế, đơn vị áp dụng công nghệ mới như giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%.
Đồng thời, kiểm soát việc tuân thủ quy định của pháp luật về % sử dụng sản phẩm gạch không nung trong các công trình xây dựng ngay từ khâu thiết kế; cập nhật các công nghệ sản xuất bê tông dự ứng lực, VLXKN, vật liệu tấm lớn… vào giáo trình giảng dạy trong nhà trường.
Ngoài ra, hỗ trợ kinh phí cho các viện nghiên cứu, trường đào tạo, trường dạy nghề biên soạn giáo trình cũng như đào tạo giới thiệu công nghệ cấu kiện bê tông lắp ghép, công nghệ tấm tường đúc sẵn…