Trang chủ / Tin tức / Hoạt động khuyến công / Bình Liêu – Tiếp sức cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP

Bình Liêu – Tiếp sức cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP

In bài viết Chia sẻ:

Đầu tư nguồn lực thông qua hỗ trợ máy móc, công nghệ hiện đại cũng như xây dựng, phát triển thương hiệu… là cách làm để Bình Liêu thúc đẩy sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP thời gian qua. Đây được coi là động lực tiếp sức hiệu quả cho các đơn vị, doanh nghiệp vượt khó.

Theo đánh giá, do nhiều yếu tố về địa lý, tập quán sản xuất mà nhiều cơ sở sản xuất ở Bình Liêu vẫn theo nếp cũ, tập quán lạc hậu, chậm ứng dụng KHCN. Điều này ảnh hưởng tới quá trình thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đặc thù địa phương, sản phẩm OCOP. “Vì thế, việc thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP bằng hỗ trợ các nguồn lực, triển khai ứng dụng kỹ thuật, KHCN… được các đơn vị chuyên trách quan tâm. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng, động lực để phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương” – ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Bình Liêu, chia sẻ.

Sử dụng máy móc thiết bị, ứng dụng KHCN vào sản xuất sản phẩm OCOP tại HTX Thảo mộc Tuệ Lâm (Bình Liêu).

Trên thực tế, trong những năm qua, Bình Liêu đã chú trọng, quan tâm tới triển khai các dự án, ứng dụng KHCN trong thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ đắc lực sản phẩm OCOP. Từ năm 2020, Bình Liêu đã kiện toàn Ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch, triển khai thực tế các hoạt động, dự án cụ thể. Đây là nguồn lực hỗ trợ “tiếp sức” hiệu quả các doanh nghiệp, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thời gian qua, Bình Liêu đã quan tâm triển khai, tiếp sức thiết thực bằng các dự án cho sản xuất, thúc đẩy sản phẩm OCOP. Đó là việc hỗ trợ nguồn lực, giúp HTX Hoa Bình Liêu đầu tư trên địa bàn xã Hoành Mô hệ thống tưới nhỏ giọt, châm phân bón tự động vào đường tưới cùng mở rộng diện tích nhà lưới thêm 1.000m2. Ngoài ra còn hỗ trợ khoảng 3 vạn giống hoa cắt cành cao cấp như: Đồng tiền, hồng giống mới, lan vũ nữ…

Bình Liêu còn hỗ trợ máy móc hiện đại trong sản xuất mật ong; hỗ trợ máy tinh lọc thủy phân cho HTX Hợp Tiến giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; triển khai 2 dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận mật ong và dầu sở Bình Liêu; hỗ trợ Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu thực hiện liên kết sản xuất, chế biến miến dong với quy mô 33,2ha năm 2021.

Ngoài ra còn triển khai một loạt các dự án trồng rau trong nhà lưới, có hệ thống tưới nước, phun sương tự động cho HTX Tân Cường Phát; bảo tồn phát triển giống gà Cao Sơn; cải tạo và phát triển đàn bò huyện Bình Liêu; ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn, gà; kỹ thuật giâm, hom nhân giống đào đá…

Bước vào năm 2022, trước nhiều khó khăn của các đơn vị, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bình Liêu tiếp sức bằng tiếp tục triển khai nhiều công việc cụ thể để hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp thúc đẩy các sản phẩm OCOP thế mạnh. Với định hướng kéo dài trong giai đoạn 2021-2025, huyện tiếp tục triển khai, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, nghiên cứu đề xuất tham gia thực hiện và duy trì bảo tồn các nguồn gien quý hiếm, đặc hữu, nguồn gien dược liệu có giá trị kinh tế cao của địa phương. Đây có thể coi là sự chuẩn bị cho các sản phẩm có tính khác biệt, tính cạnh tranh cao hơn trong tương lai.

Sử dụng nhà lưới trong canh tác, nâng cao chất lượng nông sản ở xã Lục Hồn (Bình Liêu).

Bình Liêu cũng bắt tay vào triển khai thực tế các dự án như: Nghiên cứu ứng dụng KHCN xây dựng mô hình trồng, nhân giống giống sa nhân tím ở Bình Liêu; điều tra thống kê các bài thuốc quý của một số dân tộc trên địa bàn… Đồng thời, huyện cũng chú trọng xây dựng và thúc đẩy thương hiệu sản phẩm địa phương. Hàng năm, huyện đều hỗ trợ đắc lực các đơn vị, doanh nghiệp OCOP tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại ở các hội chợ trong và ngoài tỉnh cho các sản phẩm có tiếng như: Miến dong, mật ong, tinh dầu hồi, dược liệu, hoa các loại…

Bình Liêu cũng chú trọng hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận, thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các nhãn chứng nhận, các sáng chế… Riêng trong giai đoạn 2020-2022, huyện đã triển khai vận hành hệ thống quản lý với 2 nhãn hiệu chứng nhận: Mật ong và dầu sở Bình Liêu; nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng và in ấn bộ nhận diện, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR…

Có thể thấy, nhờ tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ KHCN đã giúp thay đổi nhận thức của người quản lý tới các doanh nghiệp, hộ sản xuất; thay đổi cách làm, tư duy, xóa bỏ tập quán lạc hậu. Đặc biệt thúc đẩy sản xuất ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, được đánh giá cao, chiếm lĩnh được thị trường, như: Miến dong, tinh dầu hồi, hoa Bình Liêu…

Tuy nhiên có thể thấy, việc cải tiến thúc đẩy sản phẩm mới chỉ tập trung ở một số lĩnh vực hẹp; việc ứng dụng KHCN, lựa chọn chuyển giao, nhân rộng mô hình còn khó khăn… Để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao, khẳng định chất lượng sản phẩm hơn nữa, thời gian tới, Bình Liêu định hướng nghiên cứu phát triển các sản phẩm OCOP thế mạnh, ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt chú trọng vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao; tập trung ứng dụng KHCN vào nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời quan tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp có lợi thế như: Chăn nuôi dê, mật ong, dong giềng, hồi, dược liệu…

Tác Giả: Tạ Quân

Nguồn Tin: baoquangninh.vn