Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất trong 4 nămInfographic | Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng 8,4%Lực đẩy nào cho sản xuất công nghiệp năm 2025? |
Khí thế thi đua lao động, sản xuất
Ngay từ tháng 1/2025, khí thế thi đua lao động, sản xuất đã sôi động với quyết tâm đưa sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh.
Năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024. – Ảnh Thanh Nga |
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý I/2025, đang đàm phán đơn hàng cho quý II/2025. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho hay, tình hình xuất khẩu thêm phần khả quan vào cuối năm, đến nay, Việt Thắng Jean đã nhận đơn hàng đến tháng 6/2025.
Còn với Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến, ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng giám đốc thông tin, giai đoạn cuối năm, nhiều lao động tại doanh nghiệp phải tăng ca để kịp đáp ứng đơn hàng, phục vụ dịp Lễ, Tết cho đối tác nước ngoài. Việt Tiến đã có đơn hàng đến tháng 5/2025.
Bên cạnh đố, một số địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định… sản xuất công nghiệp cũng đang tăng tốc. Tại nhiều doanh nghiệp đã đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành khối lượng sản phẩm trước thời gian, giao hàng đúng hạn hợp đồng, đồng thời tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.
Tại Tuyên Quang, những ngày đầu năm, Nhà máy Giấy An Hòa đang sản xuất với khí thế mới, kỳ vọng năm 2025 tiếp đà khởi sắc từ thành quả năm 2024.
Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Giấy An Hòa cho biết, năm 2024 công ty đã sản xuất, tiêu thụ được trên 340 nghìn tấn giấy và bột giấy, doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng, lợi nhuận vượt 12%, nộp ngân sách Nhà nước vượt 4%; thu nhập của người lao động tăng 13%. Bước vào năm 2025, doanh nghiệp xác định còn nhiều thách thức nên đề ra nhiều giải pháp ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm với quyết tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, sản lượng doanh thu vì vậy sản xuất được “bắt nhịp” ngay từ những ngày đầu năm.
Hay tại tỉnh Quảng Ninh, điển hình Công ty Than Nam Mẫu với mục tiêu khai thác trên 2,4 triệu tấn than năm 2025 đang tập trung diện sản xuất, huy động tối đa nhân lực, máy móc, đẩy mạnh đào lò, khai thác than. Công ty siết chặt công tác an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc và chăm lo Tết cho người lao động. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng giúp công ty chủ động diện sản xuất ngay từ đầu năm mới, các vị trí, dây chuyền sản xuất được duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn, qua đó phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của năm 2025.
Với mục tiêu hoàn thành cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện năm 2025, Công ty Tuyển than Cửa Ông phấn đấu tiếp nhận và nhập khẩu than vùng Cẩm Phả là 13,8 triệu tấn; sản xuất, tiêu thụ 12,8 triệu tấn than. Những ngày này, các tổ, đội, công trường trong công ty duy trì hiệu quả nhịp độ sản xuất; tăng tốc tập trung sản xuất sản lượng than cao nhất có thể, đáp ứng tối đa các chủng loại than cho tiêu thụ, nhất là cho các nhà máy điện.
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng
Năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024. Theo đó, cần tập trung nhiều giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp tạo lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn.
Nhìn nhận về năm 2025, ông Phạm Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) dự báo, trong năm 2025, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, đặc biệt là khả năng trỗi dậy mạnh mẽ trở lại của xu hướng phi toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch và chiến tranh thương mại; cùng những căng thẳng địa chính trị mới. Trong nước, các ngành công nghiệp có nhiều cơ hội thị trường hơn từ việc đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài mới cùng những dự án lớn trong các lĩnh vực trọng điểm của quốc gia (đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao như bán dẫn, năng lượng tái tạo, đường sắt tốc độ cao…). “Tuy nhiên, điểm nghẽn về năng lực doanh nghiệp công nghiệp trong nước cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa còn chậm phát triển sẽ tạo ra lực cản lớn cho các cơ hội này”- lãnh đạo Cục Công nghiệp bày tỏ.
Ở góc độ cơ quan nhà nước, để góp phần bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp 9-10%, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết, ngành Công Thương, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp – đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép…
Để góp phần, bảo đảm thực hiện các mục tiêu của năm 2025, sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng của Chính phủ và Bộ Công Thương, thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Tiếp đó, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm phát huy đà tăng trưởng của các ngành công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Liên quan đến nội dung này, ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp- Cục Công nghiệp chia sẻ, thời gian qua một số địa phương đã phát triển mạnh mẽ cụm, khu liên kết ngành, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chia sẻ nguồn lực, kiến thức và công nghệ. Việc phát triển các cụm liên kết ngành này đã cho thấy hiệu quả vượt trội trong sản xuất so với các khu công nghiệp khác, nhờ việc tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất trong cùng một lĩnh vực.
“Các hiệp hội ngành hàng cần đóng vai trò là cầu nối, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ về khả năng sản xuất và nhu cầu của nhau. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh việc kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam… Từ đó, giúp sản xuất công nghiệp tăng tốc trong năm 2025”- ông Chu Việt Cường nói.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ; khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả trong năm 2025 các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội góp phần cùng cả nước thực hiện thành công các chương trình, nhiệm vụ đã đề ra. |