Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo 5 nhiệm vụ lớn về công tác khuyến côngCục Công Thương địa phương: Nhiều nhiệm vụ lớn trong năm 2024 |
Tác động mang tính hệ thống
Mới đây, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm 1), Cục Công Thương địa phương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá các đề án khuyến công quốc gia điểm thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2023. Theo đó, có 3 đề án khuyến công điểm được triển khai trong giai đoạn này; 145 cơ sở được hỗ trợ; có 5 nội dung được triển khai.
Trong đó, đề án điểm đối với ngành dệt may được triển khai đã hỗ trợ cho 52 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ thuê tư vấn nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm cho 2 cơ sở; hỗ trợ phòng trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho 4 cơ sở.
Đề án điểm đối với ngành cơ khí được triển khai với 5 nội dung, trong đó: Hỗ trợ cho 4 cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ra các sản phẩm mới, tạo việc làm mới cho 123 lao động nông thôn; hỗ trợ cho 39 cơ sở đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ thuê tư vấn nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm cho 2 cơ sở; hỗ trợ phòng trưng bày sản phẩm CNNT tiêu biểu cho 2 cơ sở.
Đề án khuyến công điểm – “Cú huých” mạnh mẽ cho công nghiệp nông thôn. Ảnh minh họa |
Đề án điểm đối với ngành gỗ tre nứa được triển khai với 2 nội dung hỗ trợ cho các cơ sở CNNT. Kết quả đề án đã hỗ trợ cho 3 cơ sở xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ra các sản phẩm mới, tạo việc làm mới cho 250 lao động nông thôn; hỗ trợ cho 37 cơ sở đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đánh giá về các đề án khuyến công điểm đã triển khai, đại diện Trung tâm 1 cho rằng, có cả mặt được và chưa được.
Về mặt được, đề án điểm có lượng kinh phí khá lớn đã tạo ra “cú huých” đủ mạnh thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở CNNT sản xuất các mặt hàng trong ngành dệt may; cơ khí; gỗ tre nứa trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; đề án đã giúp các cơ sở CNNT tiếp cận với công nghệ mới; máy móc thiết bị tiên tiến phù hợp với trình độ sản xuất từ đó giúp nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt là giúp các cơ sở tiếp cận dần với việc chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, có cơ hội giao thương trao đổi hàng hóa; học tập kinh nghiệm trong quản lý điều hành sản xuất và trong xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.
Đề án cũng góp phần giúp các địa phương phát huy hơn nữa các thế mạnh trong sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu về lao động, việc làm và thu nhập của người dân ở các vùng nông thôn; việc chuyển dịch này đã góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Đổi mới phương thức triển khai đề án khuyến công điểm
Đại diện Trung tâm 1 cũng cho hay, đề án khuyến công điểm được tổ chức trên địa bàn rộng, có quy mô, do đó, khâu khảo sát, đánh giá, tổ chức thực hiện yêu cầu phải tốn nhiều thời gian, nhân lực. Đề án khuyến công điểm chưa triển khai được trong các ngành thế mạnh khác của các tỉnh, thành phố trong khu vực; độ phủ của đề án điểm chưa cao, mới chỉ triển khai thực hiện trên địa bàn 12/28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Đối với đề án điểm ngành dệt may mới chỉ tập trung hỗ trợ nhiều cho các cơ sở CNNT sản xuất hàng may mặc; chưa triển khai hỗ trợ được nhiều các cơ sở trong lĩnh vực sản xuất sợi, dệt, nhuộm.
Mặt khác, cơ sở dữ liệu, thông tin về nhu cầu hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cũng như tình hình đầu tư phát triển sản xuất của các cơ sở CNNT trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc còn chưa được cập nhập, nắm bắt kịp thời.
“Cân đo” giữa điểm được và chưa được trong triển khai các đề án khuyến công điểm, đại diện Trung tâm 1 thông tin, trong thời gian tới Trung tâm 1 có điều chỉnh việc thực hiện các đề án. Trong đó, tiếp tục đổi mới để thực hiện đề án khuyến công điểm đối với các ngành dệt may; cơ khí; gỗ tre nứa trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Ưu tiên hỗ trợ các cơ sở mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ (đặc biệt là công nghệ xanh) và máy móc thiết bị mang tính tự động hóa cao.
Cụ thể, ngành dệt may, ưu tiên hỗ trợ các cơ sở trong lĩnh vực sản xuất sợi, dệt và nhuộm vải; các cơ sở sản xuất các sản phẩm phụ trợ.
Ngành cơ khí, ưu tiên hỗ trợ các cơ sở đầu tư máy móc thiết bị có tính tự động hóa cao để sản xuất ra các sản phẩm cơ khí chính xác; các đơn vị chế tạo, lắp ráp máy móc thiết bị phục vụ chế biến nông lâm thủy sản và phục vụ các ngành công nghiệp khác.
Ngành chế biến gỗ, tre nứa, ưu tiên hỗ trợ cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ và máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chế biến sâu các mặt hàng phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Trung tâm 1 sẽ đẩy mạnh việc lồng ghép nội dung hoạt động khuyến công khác với việc thực hiện các đề án điểm; kết nối cho nhiều cơ sở thụ hưởng các đề án điểm nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả của việc thực hiện các đề án. Nghiên cứu, khảo sát mở rộng việc triển khai các đề án điểm trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, ưu tiên các tỉnh trung du, miền núi.
Ngoài ra, Trung tâm 1 nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị có liên quan để xây dựng đề án điểm nhằm tăng cường năng lực kết nối trở thành nơi cập nhật, giới thiệu, trưng bày và chuyển giao các đổi mới, sáng tạo về công nghệ sản xuất hiện đại, thiết bị máy móc tiên tiến, mô hình áp dụng chuyển đổi số… trong sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu, khả năng của các cơ sở.