Chương trình khuyến công quốc gia sẽ tăng cường hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế ở địa phương nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động, đồng thời góp sức cùng các địa phương hoàn thành kế hoạch kinh tế-xã hội giai đoạn đến năm 2020.
Hoạt động khuyến công trên cả nước luôn bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công từng giai đoạn. Việc triển khai các chương trình, đề án tại các địa phương đã hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến để mở rộng sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Quảng Ninh: Tổ chức lớp tập huấn Quy trình bình chọn sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp
- Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
- Hoạt động khuyến công: Vai trò quan trọng trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn
- Quảng Ninh- Tiếp sức cho doanh nghiệp công nghiệp nông thôn
Ngành nghề được hỗ trợ đều gắn trực tiếp với nguồn nguyên liệu, lao động tại địa phương, nên góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm; hoạt động đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp không những giúp cho cơ sở CNNT chủ động về nguồn lao động có chất lượng mà còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động nông thôn… Việc triển khai thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công được đánh giá đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế – lao động ở nông thôn, phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với việc triển khai các hoạt động khuyến công hiện nay là các đối tượng thụ hưởng hỗ trợ đa phần là cơ sở sản xuất và doanh nghiệp siêu nhỏ, hoạt động manh mún, tiềm lực tài chính hạn chế nên rất khó khăn trong việc đổi mới, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao vào sản xuất. Có nhiều sản phẩm của các cơ sở CNNT làm ra chưa theo kịp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng; thị trường tiêu thụ chưa chủ động, nhất là xuất khẩu. Số lượng cơ sở CNNT nhiều, nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác khuyến công. Bên cạnh đó, các văn bản chính sách trong lĩnh vực khuyến công mặc dù đã được bổ sung, sửa đổi vẫn chưa theo kịp với yêu cầu thực tế. Công tác khảo sát nhu cầu cũng như tiếp cận các cơ sở CNNT còn hạn chế do đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công thiếu.
Thực hiện Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các cơ sở CNNT mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Theo đó, trên cơ sở các ngành nghề được hưởng hỗ trợ quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, các địa phương xây dựng, đăng ký đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm nhằm tạo bước chuyển rõ rệt cho sự phát triển. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố và liên kết giữa các khu vực để trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động khuyến công nhằm phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương và khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của cả vùng.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, Cục Công Thương địa phương cùng với các địa phương đã, đang triển khai xây dựng và tổ chức thí điểm một số đề án khuyến công quốc gia mang tính trọng tâm, trọng điểm, có sự lan tỏa lớn. Cùng với tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố và liên kết giữa các khu vực, tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng, nhằm tạo ra những phát triển đột phá mới, đóng góp hiệu quả vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà Chính phủ đã đề ra.