Trang chủ / Tin tức / Bước chuyển biến từ hoạt động khuyến công

Bước chuyển biến từ hoạt động khuyến công

In bài viết Chia sẻ:

Trong khi nền kinh tế cả nước phục hồi chậm, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và các cơ sở công nghiệp nông thôn nói riêng còn gặp nhiều khó khăn thì việc triển khai các chương trình, đề án khuyến công nhằm hỗ trợ, động viên các cơ sở công nghiệp nông thôn là hết sức cần thiết.

Các chương trình, đề án khuyến công của Quảng Ninh đã hướng tới việc huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển CN – TTCN tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Là đơn vị trực tiếp thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh (Trung tâm) thường xuyên phối hợp với các sở, ngành chức năng; phòng Kinh tế và Hạ tầng/Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động khuyến công phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.

Các hoạt động khuyến công được Trung tâm triển khai, thực hiện tập trung vào một số lĩnh vực chính như: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu qua việc hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, tổ chức gian hàng của tỉnh tham gia hội chợ trong nước; Phát triển hoạt động tư vấn cung cấp thông tin như: xây dựng các chuyên mục khuyến công tuyên truyền trên Đài phát thanh – truyền hình Quảng Ninh, cung cấp tin bài cho bản tin Công Thương, báo Công Thương và tạp chí Công Thương; Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công như: Tham gia hội nghị khuyến công vùng; tổ chức hội nghị triển khai các văn bản mới; hội nghị tổng kết và một số các hoạt động khuyến công khác nhằm phục vụ công tác chuyên môn về hoạt động khuyến công. Góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn ngày càng phát triển; tạo động lực giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn.

Dây chuyền sản xuất gỗ ván ghép thanh của Công ty TNHH xây dựng Đông Triều

Cụ thể nhiều mô hình thông qua nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ, các doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn và thực sự phát huy hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ. Chẳng hạn như công ty TNHH xây dựng Đông Triều, năm 2013 thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ ván ghép thanh từ gỗ keo”. Mô hình được xây dựng với công suất 1.650m3 sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư dự án 05 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng. Sau khi mô hình hoàn thành và đi vào sản xuất sẽ tiêu thụ khoảng 6.000m3 gỗ rừng trồng/năm, giúp Công ty đạt mức doanh thu hơn trên 15 tỷ đồng mỗi năm. Mô hình cũng sẽ tạo việc làm cho 40 lao động, với thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Từ kết quả đó năm 2014 công ty mạnh dạn lập dự án đầu tư mua sắm máy móc thiết bị hiện đại để đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh. Để khuyến khích, hỗ trợ công ty trong việc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, vừa qua Trung tâm khuyến công và TVPTCN Quảng Ninh đã khảo sát và lập đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất chế biến lâm sản phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu” trình Sở Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ cho đề án từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2015.

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các địa phương đẩy mạnh hơn nữa vai trò công tác khuyến công trong việc thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, phát triển sản phẩm mới và mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, nhằm góp phần gia tăng giá trị sản xuất CN-TTCN chung của toàn ngành; đồng thời, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, đề án, chương trình phát triển ngành công thương phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh.

Có thể nói, hoạt động khuyến công góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã được đề ra trong Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và của Trung ương lần thứ XI về thúc đẩy phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và góp phần tạo ra bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc, góp phần đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa- hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, giải quyết việc làm góp phần ổn định an sinh xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tác Giả: Hoàng Đức Khá-PGĐ TT Khuyến công và Tư vấn PTCN QN

Nguồn Tin: TTXTVPTCT