Trang chủ / Tin tức / Quy chế mới về Quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Quảng Ninh

Quy chế mới về Quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Quảng Ninh

In bài viết Chia sẻ:

Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và hoàn thiện cơ chế chính sách về công tác khuyến công của Tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có Quyết định số 2408/2014/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 ban hành Quy chế quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công của tỉnh Quảng Ninh thay thế Quyết định số 3468/2011/QĐ-UBND ngày 04/11/2011.

Trên cơ sở nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công; Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công Thương, Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 28/02/2014 của liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về Hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Quy chế mới đã cụ thể hóa các nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cụ thể:

Đối tượng được hưởng hỗ trợ kinh phí khuyến công gồm: Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại huyện, thị xã, thị trấn, xã và các phường thuộc thành phố loại 2, loại 3, các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã chưa quá 05 năm; Các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện áp dụng sản xuất sạch hơn không giới hạn về quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân hàng năm và địa bàn đầu tư sản xuất; Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công.

Bổ sung thêm việc “Áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT” vào ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công; Quy chế quy định rõ những nguyên tắc ưu tiên trong hoạt động hỗ trợ mà Quyết định số 3468/2011/QĐ-UBND trước đây chưa có.

Điểm nổi bật nhất của Quy chế đó là điều chỉnh mức hỗ trợ kinh phí khuyến công, như: Nâng mức hỗ trợ tối đa từ 5 triệu lên 10 triệu đồng/cơ sở cho nội dung Hỗ trợ thành lập cơ sở công nghiệp nông thôn tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; Đối với các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, mức hỗ được nâng từ 250 triệu đồng/mô hình lên tối đa 500 triệu đồng/mô hình. Ngoài ra các cơ sở công nghiệp nông thôn đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng cũng được hỗ trợ với mức tối đa 100 triệu đồng/mô hình. Đây thực sự là một tin vui và mở ra hy vọng mới cho các doanh nghiệp muốn tham gia xây dựng mô hình trình diễn, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển bền vững của công nghiệp nông thôn; Mức hỗ trợ tăng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng/cơ sở cho việc ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất; Mức chi cho tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, tỉnh đã tăng lên đáng kể: Tối đa 50 triệu đồng/lần đối với cấp huyện và 100 triệu đồng/lần đối với cấp tỉnh; Quyết định này còn bổ sung chi thưởng cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được bình chọn với mức 03 triệu đồng/sản phẩm khi đạt giải cấp huyện; 05 triệu đồng/sản phẩm khi đạt giải cấp tỉnh; Đặc biệt mức hỗ trợ cho việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở CNNT lên đến 300 triệu đồng/cơ sở, tại các cụm công nghiệp 1.500 triệu đồng/cụm công nghiệp…

Ngoài ra Quy chế mới còn quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng kinh phí, lập, chấp hành và quyết toán kinh phí, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị thực hiện đề án khuyến công.

Tin tưởng rằng, Quy chế với nhiều điểm mới, đặc biệt là việc tăng mức hỗ trợ cho hầu hết các nội dung khuyến công sẽ tạo được sự thay đổi tích cực, mở rộng số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khuyến công tỉnh Quảng Ninh./.

Xem nội dung Quyết định 2408/2014/QĐ-UBND Tại đây

Tác Giả: Phan Hường

Nguồn Tin: TTXTVPTCT