Trước hiện trạng công tác khuyến công của Tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai; tận dụng, khai thác triệt để mọi tiềm năng, điều kiện sẵn có, Sở Công Thương Hải Dương đã xây dựng nhiều giải pháp, tuy nhiên Tỉnh vẫn cần sự hỗ trợ hơn nữa từ các cấp có thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu quả chương trình khuyến công của Tỉnh.
Cùng đó, công tác nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động của các đơn vị nhận hỗ trợ từ khuyến công chưa thường xuyên, do vậy việc đánh giá hiệu quả sau hỗ trợ chưa sát. Số lượng các cơ sở sản xuất CNNT tham gia các chương trình khuyến công còn ít; đề án chưa đa dạng và mới chỉ tập trung vào một số nội dung như xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Những khó khăn trên được xác định là do nguồn kinh phí cho chương trình khuyến công từ ngân sách Trung ương và địa phương còn hạn hẹp, mức hỗ trợ cho các đề án chưa cao đã phần nào hạn chế sự tham gia của các tổ chức và doanh nghiệp. Mạng lưới cán bộ chuyên trách làm công tác khuyến công ở cấp huyện, xã chưa có do đó việc khảo sát, tư vấn, hướng dẫn các cơ sở CNNT lập đề án và triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Cùng đó, do đa phần các cơ sở CNNT là hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động manh mún, tiềm lực tài chính hạn chế nên rất khó đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất… nên việc tham gia thực hiện các đề án khuyến công gặp nhiều khó khăn.
Các giải pháp đặt ra.
Với những khó khăn trên, đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho rằng, đây sẽ là trở ngại trong việc nâng cao chất lượng công tác khuyến công cũng như gia tăng sức đóng góp vào tăng trưởng ngành công nghiệp của Tỉnh. Theo đó, trong thời gian tới Tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thông tin, tuyên truyền cho công tác khuyến công nhằm phổ biến sâu rộng chính sách này tới các cơ sở, doanh nghiệp CNNT trên địa bàn tỉnh. Rà soát, xây dựng. sửa đổi và bổ sung hệ thống văn bản pháp luật của Tỉnh quy định về hoạt động khuyến công cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp trong việc triển khai công tác khuyến công. Nâng cao điều kiện cơ sở vật chất cho cán bộ làm công tác khuyến công. Phân công cán bộ phụ trách khuyến công tại các Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố nhằm tăng cường hiệu quả công tác khảo sát, lập và triển khai các đề án khuyến công. Phối hợp lồng ghép chương trình khuyến công với thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu khác nhằm gia tăng nguồn lực thực hiện.
Tuy nhiên, để Hải Dương thuận lợi trong triển khai các giải pháp trên, đại diện Sở Công Thương Tỉnh cũng đề nghị: Bộ Công Thương xem xét tăng mức hỗ trợ kinh phí cho mỗi đề án khuyến công nhằm khuyến khích các cơ sở CNNT bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất. Hướng dẫn, quy định việc hình thành mạng lưới công tác viên khuyến công cấp huyện, xã để nắm bắt thông tin của các cơ sở sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác khuyến công. Tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ đội ngũ làm công tác khuyến công qua đó gia tăng hiệu quả chương trình.
Đề nghị UBND Tỉnh, bố trí tăng kinh phí cho hoạt động khuyến công của Tỉnh theo yêu cầu, nhiệm vụ thực tế hàng năm; hình thành mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, xã để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công…