Mặc dù ngành công nghiệp hỗ trợ đã và đang là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhưng hiện nay, tại Quảng Ninh ngành này vẫn còn rất thiếu và yếu. Thực tế này đang đòi hỏi tỉnh phải có những giải pháp phát triển mạnh mẽ công nghiệp hỗ trợ, nếu không muốn chỉ là một công xưởng gia công, lắp ráp đơn thuần.
Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn Quảng Ninh có 78 doanh nghiệp hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có 15 doanh nghiệp dệt may, 3 doanh nghiệp da giầy, 3 doanh nghiệp điện – điện tử, 3 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 53 doanh nghiệp cơ khí chế tạo và 1 sản phẩm hỗ trợ cho công nghệ cao.
- Quảng Ninh: Tổ chức lớp tập huấn Quy trình bình chọn sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp
- Cẩm Phả chính thức trở thành thành phố thứ 4 của tỉnh Quảng Ninh
- Kế hoạch hỗ trợ, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia
- Sản phẩm mới cửa thép vân gỗ cao cấp của Công ty cổ phần Trình Anh
Theo kết quả khảo sát, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay còn ở mức thấp. Phần lớn sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng cho thị trường có chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh hạn chế so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Vì thế, rất khó vươn ra xuất khẩu và vẫn chưa đủ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, chủng loại, mẫu mã, số lượng cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Điển hình như lĩnh vực dệt may, hiện công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ngành này trên địa bàn tỉnh ít phát triển. Năm 2018, toàn tỉnh mới có một số doanh nghiệp tham gia sản xuất, tuy nhiên, quy mô nhỏ, phân tán, hoạt động chủ yếu dưới dạng gia công. Tương tự như vậy, ở lĩnh vực da giầy, các doanh nghiệp sản xuất chỉ tập trung về lĩnh vực nguyên vật liệu và phụ liệu, chưa hình thành các cụm liên kết ngành trong sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành da giầy tại các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Theo báo cáo đánh giá khảo sát của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trên địa bàn tỉnh mới chỉ ở giai đoạn tìm hướng đi, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp; các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ còn rất ít, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh yếu kém; sản phẩm hỗ trợ còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, giá thành cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu; nhân lực phục vụ công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng… Vì vậy, chưa thể tham gia chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa toàn cầu.
Để gỡ khó cho ngành công nghiệp hỗ trợ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 18/2/2019 về triển khai thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Quảng Ninh giai đoạn 2019-2025. Theo đó, sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong nước và hướng tới xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Phấn đấu đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đáp ứng khoảng 30%, và đến năm 2025 đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sản xuất công nghiệp trong tỉnh.
Ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ninh cho biết: Để đưa ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đi đúng hướng và đạt được kết quả như mong đợi, trung tâm sẽ từng bước thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước. Cùng với đó, trung tâm cũng thực hiện kêu gọi xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.
Trước mắt, trung tâm sẽ tập trung hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu, vật liệu. Đồng thời, xây dựng và vận hành hiệu quả trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ để các doanh nghiệp nắm bắt được thông tin, định hướng đúng đắn trong việc phát triển và hội nhập.