Trong những năm qua, với những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, linh hoạt, cùng sự nỗ lực của toàn thể CBCCVC-NLĐ Cục Công Thương địa phương (CTĐP), đặc biệt là trong việc đổi mới phương thức thực hiện nhiệm vụ, các đề án khuyến công quốc gia (KCQG) được triển khai phù hợp với quy hoạch và chiến lược ngành, lợi thế của từng địa phương; nguồn kinh phí KCQG được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế – lao động ở nông thôn theo hướng CNH – HĐH.
Theo báo cáo của Cục CTĐP, năm 2019, Cục đã cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực được giao, trong đó, khuyến công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Cục chú trọng và triển khai thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở đăng ký, đề nghị của các địa phương và đơn vị trên cả nước, Cục tổng hợp, thẩm định, trình và được Bộ Công Thương phê duyệt giao 140 tỷ đồng kinh phí khuyến công quốc (KCQG) để triển khai thực hiện 179 đề án.
Từ nguồn kinh phí này, Cục CTĐP đã triển khai hỗ trợ xây dựng được 27 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 181 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho 1.850 học viên là chủ, hoặc cán bộ quản lý của các cơ sở CNNT; Tổ chức 15 buổi hội thảo, hội nghị tập huấn chuyên đề cho gần 2.500 đại biểu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở CNNT có nhu cầu tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển; Hỗ trợ tổ chức đào tạo cho 210 lao động của các cơ sở CNNT có nhu cầu đổi mới sản phẩm, mở rộng sản xuất cần tuyển thêm lao động, đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề sang làm tại doanh nghiệp khác, hoặc giảm lượng công nhân do điều kiện kinh doanh suy giảm; Hỗ trợ xây dựng hạ tầng 05 cụm công nghiệp, lập quy hoạch chi tiết cho 2 cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tại các địa bàn khó khăn để thu hút đầu tư, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tại các làng nghề; Hỗ trợ 05 cơ sở CNNT ứng dụng giải pháp quản lý sản xuất tiên tiến.…
Đáng chú ý, trong năm 2019, để tiếp tục hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT, hoạt động KCQG đã tổ chức bình chọn, tôn vinh và trao Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019 cho 110 sản phẩm. Cùng với đó, kinh phí KCQG cũng hỗ trợ tổ chức 01 hội chợ, triển lãm sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia; 03 hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu cấp khu vực; Hỗ trợ phòng trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm hàng CN – TTCN khu vực miền Bắc tại Hà Nội giai đoạn 2018-2020 và 15 cơ sở CNNT đạt giải sản phẩm CNNT cấp khu vực và quốc gia; Trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm CNNT tiêu biểu giai đoạn 2014-2018; Hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài với trên 1.200 gian hàng tiêu chuẩn; Hỗ trợ xây dựng 40 website cho các cơ sở CNNT; Hỗ trợ tư vấn, trợ giúp cho 03 cơ sở CNNT tổ chức đánh giá hiện trạng và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thị trường.
Thực tế cho thấy, các hoạt động hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công ngày càng thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng và đánh giá cao của nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên cả nước do những hiệu quả thiết thực mà nó mang lại. Sự hỗ trợ này không chỉ giúp các cơ sở quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo mối liên kết, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy đầu tư, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, mà quan trọng hơn, nó còn góp phần giúp các cơ sở xác định được hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển CN-TTCN ở các địa phương.
Với những kết quả đạt được, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Cục CTĐP vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Cục CTĐP. Trong năm qua, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực CN-TTCN, khuyến công, cụm công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa của Cục đảm bảo theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao. Trong đó, các đề án khuyến công được triển khai thực hiện phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển của ngành, lợi thế của từng địa phương, nguồn kinh phí KCQG được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ và đạt hiệu quả cao, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển CNNT ở các địa phương. Thứ trưởng cũng lưu ý, năm 2020 là năm khởi đầu cho kỳ kế hoạch giai đoạn mới, Cục CTĐP cần nỗ lực hơn nữa, đặc biệt, cần cập nhập kịp thời những thay đổi của thế giới, nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin vào để thực hiện xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ sát với thực tế, đạt hiệu quả cao hơn.
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2020, Cục CTĐP tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung như: Hỗ trợ tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; Chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; Hợp tác quốc tế đối với hoạt động khuyến công…. Để các nội dung hỗ trợ đem lại hiệu quả thiết thực, Cục sẽ chú trọng việc theo dõi, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện của các đề án, nhiệm vụ, đặc biệt là các đề án KCQG điểm giai đoạn 2018-2020; Tiếp tục nâng cao chất lượng và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu công thương địa phương trên phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu công thương địa phương; Chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục nghiên cứu xử lý, giải quyết, góp ý đối với đề xuất, kiến nghị, yêu cầu của các cơ quan, đơn vị liên quan về lĩnh vực khuyến công, không để công việc tồn đọng, chậm tiến độ;… Qua đó góp phần tích cực thúc đẩy nhanh quá trình CNH – HĐH công nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới và thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT – XH giai đoạn 2016 – 2020./.