Đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất sản phẩm là một trong những vấn đề cốt yếu được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, nhằm nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm OCOP. Vấn đề quan trọng nhưng không hề đơn giản này thời gian qua đã được các ban, ngành, đặc biệt nguồn khuyến công của tỉnh hỗ trợ đắc lực, đóng vai trò “bà đỡ” thúc đẩy đổi mới phát triển sản xuất với không ít doanh nghiệp OCOP.
Ngoài các cơ quan chức năng của tỉnh, khuyến công Quảng Ninh quan tâm nhiều tới việc hỗ trợ các doanh nghiệp máy móc, thiết bị và đổi mới công nghệ cho các đơn vị, doanh nghiệp OCOP. Ông Vũ Bình Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương tỉnh, cho biết: Khuyến công tỉnh luôn bám sát, theo dõi các cơ sở, từ đó tìm cách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bằng tranh thủ các nguồn lực đầu tư sản xuất, ưu tiên đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất.
Theo đó, các nguồn khuyến công sẽ hỗ trợ tối đa 50% dự án của doanh nghiệp, tương đương mức hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/cơ sở với nguồn khuyến công tỉnh và không quá 300 triệu đồng với nguồn khuyến công quốc gia ở lĩnh vực này. Theo quy trình, khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6, khuyến công địa phương sẽ triển khai đăng ký kế hoạch theo yêu cầu của Cục Công thương (Bộ Công thương). Sau đó sẽ gửi xuống cơ sở để cơ sở đăng ký công trình, dự án.
Sau khi kiểm tra, khảo sát thực tế dự án, nếu cơ sở đủ điều kiện đúng ngành nghề, đúng đối tượng và có kế hoạch, dự kiến đầu tư sang năm, sẽ được hướng dẫn viết hồ sơ, đề án để liên ngành liên quan thẩm định rồi đề xuất mức hỗ trợ cụ thể. Đối với nguồn vốn khuyến công quốc gia, hồ sơ sẽ được gửi lên để Bộ Công thương và liên ngành các bộ, ngành trung ương thẩm định. Khuyến công quốc gia sẽ ưu tiên địa bàn, ngành nghề sử dụng nguyên liệu địa phương, đặc biệt quan tâm là địa bàn hải đảo, vùng sâu xa, các sản phẩm mới trên địa bàn…
Với cách làm này, thời gian qua, khuyến công tỉnh nhà đã sử dụng hợp lý, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ đắc lực cho các đơn vị, doanh nghiệp OCOP. Điều quan trọng nhất là các nguồn khuyến công này luôn quan tâm, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong những thời điểm quan trọng, tới việc đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Tiêu biểu là nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp OCOP mới như việc hỗ trợ cơ sở ép dầu thực vật Hải Yến (TP Uông Bí) 50 triệu đồng cho sản xuất, máy móc vào năm 2016. Tiếp tục, năm 2020 vốn khuyến công hỗ trợ trang sắm hệ thống máy ép dầu thực vật hiện đại khi đơn vị làm đề án mở rộng quy mô sản xuất, hiện đại hóa dây chuyền. Hiện mức đề xuất hỗ trợ dự kiến khoảng 200 triệu đồng.
Minh chứng khác rõ ràng là với Công ty TNHH Nuôi trồng, chế biến và sản xuất dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả) được hỗ trợ 140 triệu đồng năm 2014, góp sức đầu tư, trang sắm máy trộn nguyên liệu và máy đóng vỏ viên nang cho sản phẩm OCOP của đơn vị. Đây là thời điểm đơn vị mới phát triển sản phẩm, nguồn lực còn hạn chế. Có thể nói, nguồn lực đã “tiếp sức” kịp thời trong nâng cao chất lượng, công nghệ sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường có tính cạnh tranh cao. Nhờ đó, góp phần phát triển một trong những doanh nghiệp OCOP hàng đầu trong tỉnh về sản xuất dược liệu, thực phẩm chức năng, có nhiều mặt hàng xuất bán ra tỉnh ngoài.
Chia sẻ về nguồn hỗ trợ này, ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Công ty cho biết: Với các doanh nghiệp, đặc biệt lúc mới bắt đầu, nguồn hỗ trợ tuy chưa nhiều nhưng thể hiện được sự quan tâm của nhà nước với doanh nghiệp, vào thời điểm quan trọng, giúp chúng tôi có thêm động lực, niềm tin đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ nguồn lực quý giá giúp bổ sung, ứng dụng máy móc thiết bị, tư vấn đăng ký xây dựng thương hiệu… giúp sản phẩm có thương hiệu, được người tiêu dùng tin cậy”.
Không chỉ vậy, theo thống kê, thời gian qua nguồn khuyến công đã triển khai hàng chục chương trình, dự án hỗ trợ rất đắc lực cho các doanh nghiệp vươn lên, củng cố sản phẩm đáng kể, như: Năm 2018, hỗ trợ 80 triệu đồng cho HTX Nông nghiệp Yên Kiều (Đầm Hà) trang bị máy ép dầu và máy rang lạc, phát triển sản phẩm dầu sở, dầu lạc; hỗ trợ 100 triệu đồng cho hộ sản xuất gia đình anh Hoàng Văn Quý (TP Cẩm Phả) hỗ trợ trang sắm máy ép dầu và lọc dầu thực vật.
Theo dự kiến, năm 2020, khuyến công tỉnh lại tiếp tục chủ động bám sát tình hình thực tế tiếp tục thực hiện khảo sát, kiểm tra thực tế và hỗ trợ cho một số sản phẩm, doanh nghiệp OCOP như: Hương sạch (HTX Thảo dược Tuệ Lâm – Bình Liêu), HTX dầu thực vật Hải Yến (Uông Bí), rượu Chắn cá chảu (Ba Chẽ)…
Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến và phát triển Thương mại (Sở Công thương) còn hỗ trợ các cơ sở tham gia triển lãm sản phẩm tại các hội chợ, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp như tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối giao thương hàng hóa, mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, tiếp cận KHCN… Đây là các hoạt động nhỏ nhưng đã góp phần tích cực khơi nguồn sức sản xuất, chất lượng sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp với tiêu chí nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng công nghệ mới, tiên tiến.